(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, cứ vào ngày 20 tháng Chạp, lễ hội giỗ thần Nam Hải lại tưng bừng ở vạn/làng Nước Ngọt, xã Bình Hải (Bình Sơn). Đây là một trong những lễ hội tiêu biểu đã có từ hàng trăm năm qua ở vùng biển miền Trung.
Về địa danh Nước Ngọt
Tên gọi vạn hay làng Nước Ngọt bắt nguồn từ một giếng nước ngọt ở bìa làng, cách không xa lăng thờ thần Nam Hải - Cá Ông và cũng lại khá gần mép sóng biển nhưng bốn mùa nước ngọt. Truyền thuyết kể rằng, đó là giếng do vua Lê Thánh Tông cho đào, để vua quân sử dụng trong những ngày ngắn ngủi lưu lại vùng đất này, trước khi tiến quân vào thành Trà Bàn vào mùa xuân năm Tân Mão - 1471 (nên giếng này còn gọi là Giếng Vua, hay Giếng Vương).
Lăng Nước Ngọt, ở xã Bình Hải (Bình Sơn). Ảnh: ĐĂNG VŨ |
Nhưng có lẽ không phải vậy. Một vài nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, khi khảo sát, lại quả quyết rằng đó là giếng của người Chăm còn lưu lại, tựa như họ từng khảo sát và khẳng định rằng giếng Xó La, giếng Bộng... ngoài đảo Lý Sơn là giếng của người Chăm. Đây là những giếng nước không chỉ cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân địa phương mà còn cung cấp nguồn nước ngọt cho các thương thuyền ra Bắc vào Nam, lẫn các thương thuyền ngoại quốc hàng trăm năm trước. Sách “Đồng Khánh địa dư chí”, được biên soạn thời Đồng Khánh (1885 - 1889), còn cho biết cụ thể hơn, rằng dọc biển Bình Sơn có nhiều rừng cây, là nơi tàu thuyền qua lại dừng chân nghỉ ngơi và lấy nước ngọt, như ở các vũng Thanh Thủy (Nước Ngọt), vũng An Vĩnh, vũng Tàu, vũng Quất.
Vạn hay làng Nước Ngọt là một địa danh tiếng Nôm, thuần Việt. Vì có lẽ khó ghi vào văn bản Hán Nôm hiện thời, nên có thể, để tiện ghi chép vào sổ sách, địa bạ, hoặc cũng có thể để làm “sang hóa” tên vùng đất mà các vị tiền hiền đã định danh vạn/làng này bằng một mỹ tự Hán Việt, nhưng cũng không xa với nghĩa là nước ngọt, đó là Thanh Thủy. Thanh là ngọt, là trong; thủy là nước. “Địa bạ Quảng Ngãi”, soạn năm Gia Long thứ 12 (1813) có ghi rằng: Thôn Thanh Thủy có đông giáp thôn An Phú và biển; tây giáp xã Trung Sơn (tổng Trung), thôn tân lập (mới lập) Vạn Tường, thôn An Phú; nam giáp thôn An Phú, thôn Vạn Tường; bắc giáp thôn Trung Mỹ, thôn Vạn Tường. Toàn diện tích là 45,84 mẫu; trong đó tư điền là 33,9 mẫu, linh tinh có đo được (gồm viên cư, thần từ, hoang nhàn, mộ địa) là 11,9 mẫu.
Một bảo tàng biển linh thiêng
Gọi là một bảo tàng biển linh thiêng là cách chúng tôi tạm dịch nội dung một hoành phi cổ hiện còn đặt trong chính điện lăng Nước Ngọt. Hoành phi này có 4 chữ là: Hải Ốc Tàng Linh, được tạo lập vào năm Giáp Ngọ (1834), tức năm Minh Mạng thứ 15. Cùng với bức hoành phi này, trong lăng Nước Ngọt còn có nhiều liễn đối, lỗ bộ, những đồ tế tự có từ hàng trăm năm trước và những bộ xương cá voi khổng lồ, mà trong đó có bộ xương rất lớn, có lẽ không khác mấy với bộ xương đang trưng bày ở Lý Sơn. Đặc biệt, trong lăng còn giữ được 6 đạo sắc phong thần của các vua nhà Nguyễn cho dân sở tại được thờ thần Nam Hải, gồm 1 sắc thời Minh Mạng năm thứ 7 (1826); 2 sắc thời Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), ngày 12/4 và 14/4; 1 sắc thời Tự Đức năm thứ 3 (1850); 1 sắc thời Thành Thái năm thứ 6 (1894); 1 sắc thời Khải Định năm thứ 9 (1924).
Các bô lão mở các sắc phong thần lưu trong lăng Nước Ngọt. Ảnh: ĐĂNG VŨ |
Người xưa gọi nơi đây là “Hải Ốc Tàng Linh”, ngoài những thứ đã nêu trên, chắc hẳn còn đề cao kiểu dáng kiến trúc, vị trí thuận phong thủy của lăng Nước Ngọt - một lăng thờ phúc thần biển tiêu biểu bậc nhất, không chỉ của Quảng Ngãi. Lăng Nước Ngọt có lối kiến trúc cổ đặc trưng với kết cấu gỗ tứ trụ, lấy vũng Thanh Thủy, vịnh Nho Na làm minh đường, lấy mũi Tổng Binh làm tiền án, còn phía lưng thì tựa vào động cát Gò Nần.
Đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Hầu hết các lăng thờ thần Nam Hải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều làm lễ hội chủ yếu vào đầu xuân hoặc cuối thu, nhưng ở lăng vạn Nước Ngọt- thôn Thanh Thủy lại làm lễ hội linh đình vào ngày 20 tháng Chạp. Ngày mùng Mười tháng Giêng chỉ làm lễ “xuống nghề” giản đơn, kỳ thu chỉ cúng “hoa quả trầm trà”. Những bô lão chăm lo tế tự được bầu chọn nhiều năm qua chỉ cho biết, đó là lệ làng, “xưa bày nay làm”, có từ lúc nào không rõ.
Rất may, trong đợt điền dã tại huyện Lý Sơn từ năm 2019, chúng tôi tìm thấy một văn bản Hán Nôm khá dài, gần 4 trang giấy dó dày đặc chữ, còn lưu tại nhà thờ ông Dương Pháp, ở thôn Tây, An Hải, thì có thể tạm hiểu vì sao người dân ở vạn Nước Ngọt - thôn Thanh Thủy lại làm lễ giỗ thần Nam Hải linh đình vào ngày 20 tháng Chạp hằng năm và cũng là ngày hội dân gian lớn của vùng biển huyện Bình Sơn trong hàng trăm năm qua.
Một trang tài liệu Hán Nôm ở Lý Sơn liên quan đến việc lễ giỗ thần Nam Hải ở lăng Nước Ngọt. Ảnh: ĐĂNG VŨ |
Tạm dịch đoạn đầu văn bản này: “Các viên chức kỳ cựu, chức dịch, hương lý hai phường Lý Sơn là An Hải và An Vĩnh, tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa, xin trình bẩm về việc: Nguyên do vào ngày 21 tháng Chạp vừa rồi có tiếp kiến dân chài ở thôn Thanh Thủy đi nhanh đến hai phường bọn dân nói rõ rằng ở xóm của họ có Hải Thần (Thần ở biển) qua đời từ ngày 19 đến nay, một số dây thừng lớn nhỏ đều bị đứt liền, khó lôi được thần lên bờ, nên xin hai phường đem dây chão lớn và thuyền kéo cùng với các dụng cụ (để giúp đỡ). Bọn dân cho chở theo 5 chiếc thuyền đi nhanh về bến đò Thanh Thủy, giúp kéo tôn thần lên bờ. Chôn cất xong xuôi, dân hai phường thành tâm tế thần, xôi lợn mỗi thứ một mâm, xong trở về bản quán”.
Khảo sát văn bản, chúng tôi đoán định: Mặc dù trong văn bản không ghi niên đại, nhưng căn cứ vào thể chữ viết, cách gọi địa danh phủ, huyện, tổng, thôn, phường và dựa vào sách “Đồng Khánh địa dư chí”, thì văn bản này có thể được lập vào thời Đồng Khánh (1885 - 1889), hoặc trước, hay sau đó ít nhiều.
Hằng năm, vào ngày 20 tháng Chạp, người dân vạn Nước Ngọt - thôn Thanh Thủy làm lễ giỗ thần Nam Hải linh đình, có múa gươm, hát bả trạo, đua thuyền, đua thúng, có năm còn có hát bội, hô bài chòi... Để bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội, có lẽ không chỉ duy trì, bổ sung thêm các yếu tố văn hóa biển trong hội tế thần Nam Hải, mà theo chúng tôi còn phải sớm lập hồ sơ để được xếp hạng lễ hội lăng Nước Ngọt là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mặt khác, chính quyền địa phương nên thu hồi phần đất của lăng đã bị lấn chiếm và xây dựng ở đó một nhà trưng bày bộ xương cá voi hiện còn giữ trong lăng và kêu gọi các chuyên gia phục dựng các bộ xương này. Nếu bộ xương cá voi được phục dựng, thì chỉ riêng thôn Thanh Thủy sẽ có các sản phẩm du lịch đặc trưng mà khó có nơi nào có được: Lăng Nước Ngọt, vũng Thanh Thủy - Nho Na, Nhà trưng bày bộ xương cá Voi, Gành Yến, Giếng Vương, nghề trồng hành, tỏi (tựa như Lý Sơn)...
TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: