Bảy tấm sắc phong cổ ở làng Châu Mi

07:04, 22/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Bảy tấm sắc phong của triều Nguyễn với niên đại hàng trăm năm đang được gia đình ông Nguyễn Văn Châu (67 tuổi) ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành gìn giữ nguyên vẹn. Những tấm sắc phong ấy được xem như báu vật và đã được lưu truyền qua 14 thế hệ trong dòng họ.
Trong 7 tấm sắc phong mà gia đình ông Châu đang giữ, có 3 tấm được các triều đại vua Nguyễn ban tặng cho làng Châu Mi (nay gọi là thôn Phú Châu) vì đã có công thờ phụng thần Ngũ hành Tiên Nương. Bốn bức còn lại là sắc phong cho vị tiền hiền, Thành hoàng làng họ Nguyễn đã có công lập nên làng Châu Mi với lịch sử hình thành đến nay đã được 500 năm.
 
Lịch sử tái hiện qua từng sắc phong cổ
 
Các tấm sắc phong được ban cho dân làng Phú Châu theo từng thời điểm khác nhau, qua các thời vua Nguyễn là Gia Long, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định... luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong gia đình ông Nguyễn Văn Châu. Lật giở từng tấm sắc phong đã nhuốm màu thời gian nhưng chữ và hoa văn rồng vẫn còn rõ ràng, ông Châu bắt đầu kể về nguồn gốc của những cổ vật ấy.

 

Gia đình ông Châu hiện đang gìn giữ khá tốt 7 tấm sắc phong triều Nguyễn ban cho làng Châu Mi
Gia đình ông Châu hiện đang gìn giữ khá tốt 7 tấm sắc phong triều Nguyễn ban cho làng Châu Mi.
 
Cách đây 500 năm, tổ tiên của gia đình ông Châu được xem là vị tiền hiền có công khai khẩn lập ấp, tạo nên làng Phú Châu. Để tuyên thưởng cho công lao ấy, cách đây hơn 200 năm, vua Gia Long đã ban tấm sắc phong đầu tiên cho làng với nội dung như sau: “Tả quân tả đồn định vì vệ chánh vệ thuộc nội cai cơ thể vang hầu”. Ý nói khen thưởng công lao vị Tả quân mở mang, lập nên làng Châu Mi.
 
Trong quá trình lập ấp, phát triển, vùng đất Châu Mi ngày ấy trở nên trù phú với đời sống của dân làng luôn no ấm, đủ đầy nhờ có sự chở che của Thần Ngũ hành Tiên nương. Các vua Triều Nguyễn tiếp tục ban thêm các sắc phong cho làng Châu Mi, vì đã có công phụng thờ Thần Ngũ hành Tiên nương bảo vệ cho nước, che chở cho dân.
 
Sắc phong là sự công nhận của triều đình với các vị thần đã có công che chở cho dân làng  được yên ổn thanh bình, mùa màng tươi tốt. Trong mỗi bản sắc ở cuối văn bản có ghi niên đại tuyệt đối đến tận ngày, tháng, năm. Niên đại của sắc phong được ghi gồm niên đại triều vua ban sắc, tháng ngày ban sắc.
 
“Tổng cộng làng Châu Mi ngày ấy được vua Nguyễn ban tặng 7 sắc phong. Tổ tiên của tôi là người gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ sau. Đến nay, đến tôi là đã qua 14 đời”- Ông Châu chia sẻ. Hiện ở làng Phú Châu vẫn còn các di tích là đình làng và miếu thờ Ngũ hành Tiên nương. Mỗi năm theo lệ, dân làng vẫn tổ chức cúng giỗ và khai “sắc” đọc lại nội dung những tấm sắc phong để tưởng nhớ công ơn những người đã khai sinh và phù hộ cho làng.
 
Một trong 7 tấm sắc phong với nét chữ và hoa ven rồng còn khá nguyên vẹn
Một trong 7 tấm sắc phong với nét chữ và hoa văn rồng còn khá nguyên vẹn.
 
 
Cổ vật giá trị cần được nghiên cứu
 
Với gia đình ông Châu, dù trải qua bao biến thiên của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, nhưng những tấm sắc phong ấy luôn được xem là báu vật. Năm ông Châu học lớp 12, thân sinh của ông đã đích thân trao tay 7 tấm sắc phong và dặn dò đó là bảo vật gia truyền.
 
Những năm chiến tranh loạn lạc, gia đình ông Châu phải đi lánh nạn ở khắp nơi. Nhưng trong hành trang gọn nhẹ, luôn có mặt 7 tấm sắc phong. “Ngày đó gian khổ, cái ăn còn không lo nổi, nhưng có chuyển đi đâu lánh nạn thì cha tôi luôn đặt các tấm sắc phong cẩn thận trong các ống tre rồi mang theo bên mình. Có lúc giặc tràn về làng, cha tôi vội vàng quá chỉ kịp mang theo sắc phong mà bỏ lại của cải, tiền bạc”- ông Châu kể về những ngày xưa cũ.
 
Rồi đến lúc gần đất xa trời, cha của ông Châu vẫn nhắn nhủ lời cuối cùng đến con cháu mình là phải gìn giữ thật cẩn thận 7 tấm sắc phong. Thế cho nên, dù có nhiều người khi hay tin đã tìm đến nhà ông hỏi mua, ông Châu quyết không bán.
 
Với ông, chúng không chỉ đơn thuần là “bằng khen” của làng hay cá nhân, gia đình. Mà sâu xa hơn, mỗi tấm sắc phong được bảo tồn, lưu giữ nâng niu, trân trọng qua từng thế hệ chính bởi phần giá trị truyền thống, hồn cốt tinh thần vẹn nguyên qua những biến động của thời gian. Sắc phong không chỉ để ghi nhớ công lao về những người đi trước, mà còn để thế hệ con cháu hiểu và noi gương truyền thống của một làng quê giàu truyền thống.
 
Sắc phong được xem là tư liệu quý để bổ sung thêm thông tin về lịch sử, niên đại, hệ thống hành chính, con người của một vùng đất hay để nghiên cứu các tín ngưỡng văn hóa dân gian của dân tộc. Đây là cổ vật rất giá trị trên nhiều phương diện.
 
Nhưng qua thời gian và chiến tranh, nhiều sắc phong bị thất truyền hoặc không thể phục chế. Số còn lại do bảo quản đơn giản nên dễ bị hư hỏng hoặc mất mát. Bảy tấm sắc phong của gia đình ông Châu may mắn vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhưng ông vẫn luôn trăn trở rằng, liệu thế hệ sau có còn gìn giữ được những bảo vật quý báu ấy.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.