Nghe tác giả ca khúc “Vàm Cỏ Đông” kể chuyện

19:25, 27/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một ca khúc ra đời trong thời kháng chiến chống Mỹ, trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng đến nay vẫn làm rung động lòng người. “Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông...”. Đó là hai câu mở đầu của một bài hát quen thuộc do nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ thơ của nhà thơ Hoài Vũ, ca khúc “Vàm Cỏ Đông”. Cả hai văn nghệ sĩ này có mối lương duyên khá đặc biệt, vừa là đồng tác giả, vừa đồng hương, đồng nghiệp.

1.

Nhà thơ Hoài Vũ có một thời gian dài hoạt động ở miền Nam trong thời kháng chiến ác liệt. Trong các sáng tác của ông, bài thơ "Vàm Cỏ Đông" lắng đọng trong tim hàng triệu người. Ông có dịp kể lại cho chúng tôi nghe hoàn cảnh ra đời của bài thơ ấy tại chiến trường. Trong một đêm năm 1964, ông và đồng đội được các cô giao liên dẫn đường vượt sông Vàm Cỏ Đông. Xung quanh là cánh đồng trống, ầm vang tiếng bom đạn của giặc dội xuống trên khắp mặt sông. Ông không thể quên được hình ảnh các cô giao liên tranh thủ từng giây từng phút giữa làn bom đạn để đưa đoàn qua sông sang bờ bên kia. Thật là nguy hiểm, gian khổ vô cùng, không thể nào tả xiết. Trong lòng ông dâng trào niềm xúc động và cảm phục. Đêm hôm ấy, ông đặt bút viết liền một mạch về con sông mình vừa vượt qua và hôm sau nhờ giao liên chuyển ngay về chiến khu ở vùng giải phóng thuộc Tây Ninh, sau đó tiếp tục gửi ra Bắc.

Nhà thơ Hoài Vũ.
Nhà thơ Hoài Vũ.

Năm 1966, trong một đêm ở khu nhà tập thể của cán bộ, công nhân viên Nhà máy Supe phốt phát tại Lâm Thao (Phú Thọ), nhạc sĩ Trương Quang Lục tình cờ nghe giọng ngâm bài thơ "Vàm Cỏ Đông" phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Xin nói thêm rằng, ông là cán bộ miền Nam tập kết, đang làm kỹ sư nhà máy. Và lúc đó, trong tay ông đang có tờ báo Văn nghệ Trung ương đăng tải bài thơ. Quá xúc động và vui sướng khi được tiếp xúc với một bài thơ tuyệt vời và giọng ngâm truyền cảm, ông liền lấy giấy bút phổ nhạc ngay một số đoạn hay, vừa ý trong bài thơ. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, ca khúc "Vàm Cỏ Đông" ra đời. Ông cho biết trước đó cũng như về sau này, chưa bao giờ ông sáng tác một ca khúc nào nhanh như thế. Và chỉ sau thời gian ngắn, bài hát "Vàm Cỏ Đông" đã vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát hai ca sĩ Trần Thụ và Tuyết Nhung cùng với tốp nữ của đài.

Nhà thơ Hoài Vũ cho biết, năm 1966, trong một chuyến vượt sông Vàm Cỏ Đông, ông mở nhỏ chiếc radio mang theo bên cạnh để nghe tin tức, tình cờ nghe giọng hát của các ca sĩ miền Bắc trình bày bài. Trong giây phút đặc biệt này, niềm xúc động, vui sướng chợt trào dâng trong lòng ông lúc ấy không thể nào tả xiết.

2.

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, khi ca khúc “Vàm Cỏ Đông” ra đời đã gần một thập niên trôi qua, hai tác giả Hoài Vũ và Trương Quang Lục vẫn chưa biết gì về nhân thân của nhau. Sau ngày 30/4/1975, trong dịp vào TP.Hồ Chí Minh thăm gia đình, nhạc sĩ Trương Quang Lục liền tranh thủ thời gian eo hẹp tìm đến gặp nhà thơ Hoài Vũ tại cơ quan Văn nghệ Giải phóng. Cuộc hội ngộ thật bất ngờ trong niềm vui lẫn ngạc nhiên khó tả. Sau đó, qua vài lần gặp nhau, nhạc sĩ Trương Quang Lục mới biết tên thật của nhà thơ Hoài Vũ là Nguyễn Đình Vọng, quê ở Quảng Ngãi. Thật bất ngờ, Quảng Ngãi cũng là quê của nhạc sĩ Trương Quang Lục, hóa ra nhà thơ và nhạc sĩ đều là đồng hương miền đất núi Ấn - sông Trà, và lại là đồng tác giả của một ca khúc được đông đảo quần chúng yêu thích.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục và bản thảo ca khúc “Vàm Cỏ Đông”.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục và bản thảo ca khúc “Vàm Cỏ Đông”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ít lâu, nhạc sĩ Trương Quang Lục chuyển công tác từ Tổng cục Hóa chất về nhật báo Sài Gòn Giải Phóng. Từ vai trò một giám đốc Nhà máy hóa chất Thủ Đức sang vị trí Trưởng ban Khoa Giáo một tờ báo lớn của Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh, ông không khỏi bỡ ngỡ với công tác mới. Nhưng rồi cũng nhanh chóng quen việc vì ông là kỹ sư và từng là cộng tác viên của nhiều tờ báo trong nước. Nhờ có hai nghề trong tay, ông đã giúp ích khá đắc lực cho tờ báo Đảng trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Khi làm báo, ông nắm bắt được khá nhiều thông tin của đất nước và quốc tế, nhịp sống của mọi tầng lớp nhân dân... Điều đó giúp ông có được những sáng tác âm nhạc sát với thực tế, được quần chúng yêu thích.

Lại một bất ngờ nữa đến với Trương Quang Lục, nhạc sĩ kiêm nhà báo. Đó là, ít lâu sau, khi đến nơi làm việc, ông lại gặp nhà thơ Hoài Vũ chuyển công tác từ Cơ quan Thành ủy về Báo Sài Gòn Giải Phóng. Nhà thơ được cử làm Phó Tổng Biên tập, phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa văn. Thật là phù hợp với khả năng của Hoài Vũ, ông từng làm báo nhiều năm và có vốn Trung văn khá tốt, nhờ mấy năm học tập tại Trung Quốc. Giờ đây, con tạo xoay vần, nhạc sĩ và nhà thơ lại công tác cùng cơ quan Báo Sài Gòn Giải Phóng, một tờ báo lớn trong nước.

Đến nay, cả hai ông đều đã nghỉ hưu, nhưng vẫn dành thời gian để gặp nhau.

QUỲNH TRANG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 19:25, 27/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.