Độc đáo nghệ thuật diễn xướng dân gian 

15:10, 21/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch sắp tới đây, tại Quảng Ngãi sẽ diễn ra Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024 do Sở VH-TT&DL phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức. Nghệ thuật diễn xướng dân gian với nét độc đáo, đa dạng của các dân tộc trên toàn quốc sẽ được trình diễn tại hội thi. 

Hội tụ văn hóa đặc sắc

Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024 có 26 đoàn đến từ các tỉnh, thành phố với gần 1.000 người tham gia. Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần giữ gìn và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Để chuẩn bị cho hội thi, các nghệ nhân, diễn viên trong tỉnh đã tích cực luyện tập các điệu múa, bài hát, tiết mục đánh chiêng, tái hiện các trò chơi dân gian... Anh Lê Quang Thọ, cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh chia sẻ, hội thi là dịp để Quảng Ngãi giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Các nghệ nhân, diễn viên tham gia chương trình đang nỗ lực tập luyện để đem đến những tiết mục thật sự đặc sắc.

 Các nghệ nhân tái hiện nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Các nghệ nhân tái hiện nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Tại Trung tâm VHNT tỉnh, nghệ nhân Lê Hổ ở huyện Lý Sơn cùng một số nghệ nhân và 20 diễn viên tập luyện phần trình diễn trích đoạn Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để biểu diễn tại hội thi. “Được tham gia làm thuyền câu, thổi ốc u, tái hiện lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi rất vinh dự và tự hào. Chúng tôi thường xuyên vào đất liền để tập luyện. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho hội thi đã sẵn sàng”, nghệ nhân Lê Hổ chia sẻ. 

Các diễn viên tập luyện các tiết mục tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh 
chuẩn bị cho Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024.
Các diễn viên tập luyện các tiết mục tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chuẩn bị cho Hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024.

Phó Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh Trần Như Tuấn cho biết, đoàn Quảng Ngãi huy động gần 60 nghệ nhân, diễn viên tham gia hội thi. Đoàn sẽ trình diễn các nội dung gồm: Rước biểu tượng vật thiêng tại lễ khai mạc; trình diễn nghi lễ truyền thống, đó là trích đoạn Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và các nội dung thi diễn gồm thi trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cor. Cùng với đó, biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ. Riêng phần thi ẩm thực, Quảng Ngãi trình bày mâm cơm truyền thống của đồng bào dân tộc Cor... 

Sắc màu văn hóa Quảng Ngãi

Nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Quảng Ngãi phong phú, đặc sắc. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, người dân miền biển ở Quảng Ngãi trong quá trình lao động sản xuất, đánh bắt hải sản đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần với các loại hình diễn xướng dân gian mang bản sắc đặc trưng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ như dân ca bài chòi, bả trạo, sắc bùa, hát hò, hát hố... Trong đó, nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sẵn sàng cho hội thi 
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, để đảm bảo cho gần 1.000 diễn viên ở các tỉnh, thành phố về Quảng Ngãi tham gia hội thi, sở đã làm việc các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ ăn uống, đảm bảo mọi điều kiện an toàn, chu đáo. Đối với các đơn vị lữ hành sẽ phối hợp tổ chức đưa các đoàn đi tham quan di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho hội thi đã hoàn tất, sẵn sàng để các đoàn tranh tài, biểu diễn các tiết mục đặc sắc của văn hóa các dân tộc.

Quảng Ngãi có đảo Lý Sơn là “mảnh đất vàng” về di sản. Lý Sơn có nhiều di sản vật thể và phi vật thể độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc miền biển, đảo. Đặc biệt, nơi đây có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Đây là nghi lễ được bảo tồn, duy trì suốt hơn 400 năm qua và được xem như mạch nối về chủ quyền biển, đảo từ quá khứ đến hiện tại, là thông điệp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc năm 2024, Quảng Ngãi sẽ giới thiệu cùng văn hóa các dân tộc lễ rước biểu tượng vật thiêng tại lễ khai mạc, đó là 5 chiếc thuyền câu trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, kết hợp thổi ốc u, cầm cờ và kiếm đi diễu hành qua lễ đài.

Đồng bào dân tộc Cor biểu diễn đấu chiêng và múa cà đáo. Ảnh: THANH PHƯƠNG
Đồng bào dân tộc Cor biểu diễn đấu chiêng và múa cà đáo. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Cùng với văn hóa biển, đảo đặc sắc, Quảng Ngãi còn có các loại hình diễn xướng văn hóa dân gian của các dân tộc Cor, Hrê, Ca Dong độc đáo thuộc 5 huyện miền núi của tỉnh. Đồng bào Cor tự hào với nghệ thuật cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, đấu chiêng là một trong những sinh hoạt cồng chiêng nổi bật, độc đáo của người Cor. Đối với đồng bào Hrê, có nghệ thuật trình diễn chiêng ba đã được Bộ VH-TT&DL nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Diễn xướng dân gian là một bộ phận của di sản văn hóa. Văn hóa diễn xướng mang đậm nét đặc trưng riêng có của mỗi dân tộc đã và đang được gìn giữ, trao truyền, tạo nên nét văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thông qua hội thi diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc sẽ khơi dậy ý thức cộng đồng các dân tộc trong việc thực hành, bảo tồn các nghi lễ, văn hóa truyền thống. Qua đó, quảng bá, giới thiệu hình ảnh văn hóa, con người Quảng Ngãi đến với du khách trong và ngoài tỉnh”, ông Cao Văn Chư nhấn mạnh.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 15:10, 21/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.