Mẹ và sông quê 

14:42, 05/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau mỗi hành trình rong ruổi ngược xuôi, người ta lại muốn nương vào quê xứ để tìm chút chở che, an ủi. Có thể chỉ cần đôi dòng ký ức ngọt ngào cũng đủ vỗ về mà lắng dịu đi bao bộn bề, trăn trở. Tôi đã dựa vào làng quê của mình như thế mỗi khi lòng hoang hoải nhớ thương mà chưa kịp xuôi về...

Nỗi nhớ quê của tôi bắt đầu bằng nỗi nhớ mẹ. Mỗi khi nhớ mẹ, tôi lại thường nghĩ về dòng sông quê hương. Một đời sông miệt mài xuôi chảy, lặng lẽ và ân cần, dù trong đục, đầy vơi vẫn trước sau vẹn lòng chung thủy, như mẹ bình dị một đời mà cưu mang nặng sâu một tình yêu vô bờ bến.

(Ảnh minh họa)

Những lớp phù sa cứ cần mẫn đắp bồi, vun xới cho đồng bãi tốt tươi, ngát xanh bờ dâu ruộng lúa. Sông quanh co uốn lợn, ôm trọn một dải đất làng. Người dân quê tôi bám vào sông mà sinh kế, rồi tiếp nối những kiếp người chịu thương chịu khó lênh đênh cùng sóng nước. Mùa tiếp mùa, con cá, con tôm là ân huệ ngàn đời sông ban tặng, dẫu khi vơi khi đầy vẫn ăm ắp những hàm ơn.

Sông ơi, thương nhớ vô ngần tuổi thơ tôi từng chiều ngụp lặn cùng đám bạn thuở thiếu thời. Những đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm suốt mùa hè hì hục mò hến, bắt trai, giăng câu, thả lưới cuối bãi đầu ghềnh. Mùa nước cạn thì lội bùn móc từng con cua, con cá. Sông cho tôi nhiều quá, cả sản vật bốn mùa cùng vời vợi ký ức ấu thơ chẳng hề nguôi ngoai trong tâm tưởng.

Mỗi khi ráng chiều buông, ngọn nồm kéo lên lồng lộng, hoàng hôn in bóng xuống dòng sông quê man mác một màu đỏ au. Đó là mỗi lần tôi tha thẩn triền đê, phóng tầm mắt về chiếc cầu tre tìm dáng mẹ quang gánh khấp khểnh đi về. Trong trí nhớ non nớt của tôi, mỗi ngày mẹ thường đi đò từ sáng sớm qua cù lao bên kia sông bày thúng mẹt bán cá, chủ yếu là cá trích, cá mòi đã nướng sẵn. Chẳng rõ lời lãi thế nào, nhưng thường mãi tối mịt mẹ mới về, đôi khi còn đổi cá cho người ta để lấy khoai, lấy đậu...

Tha thiết biết bao, đậm đà biết bao ân tình của sông, chở che của mẹ. Con nước sông quê nuôi dưỡng hồn ta từ tấm bé, từng giọt phù sa cứ chắt chiu qua dâu bể thăng trầm mà vun đắp cho ta một dáng hình cao rộng. Như mẹ ta kiệm lời, gánh bao khó nhọc, trước bao mặc cả, tị hiềm vẫn nhẫn nại, khiêm cung. Mẹ không cho ta bạc tiền, gia tài mẹ để lại cho ta là cả một di sản làm người. Ta học được từ mẹ sự bao dung, lòng biết ơn để mãi còn trĩu nặng trong tim nỗi niềm cội nguồn, quê xứ; để biết đau đáu thương về một rặng tre, một bãi bờ, một bóng đò neo bến vắng chờ ai...

Sau mỗi dặm dài quăng quật phong sương chốn phồn hoa đô hội, ta lại muốn tìm về với sông, với làng để gột rửa đi bao tủi hờn, bụi bặm, lại được ngồi giữa quê nhà ngẩn ngơ nhớ mẹ như đứa trẻ ngày xưa...

NGÔ THẾ LÂM

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:42, 05/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.