Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi). Năm 1844, ông theo cha vào Nam, lấy vợ và lập nghiệp ở Gò Công (Tiền Giang). Ông được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó quản cơ, rồi Quản Cơ, tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.
Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trương Định. |
Để ghi nhớ công đức của Trương Định, năm 2007, UBND tỉnh xây dựng lại Đền thờ Trương Định với diện tích hơn 2ha, dưới chân núi Đầu Voi, thuộc xóm Khê Thuận, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Di tích gồm các hạng mục công trình: Cổng tam quan, nhà bia, đền thờ chính, nhà trưng bày, nhà khách, sân vườn, tường rào bao quanh. Đền thờ hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như bài vị, hoành phi, liễn đối, văn bia, áng thờ, bộ tam sự, bình phong, đỉnh hương, đôi rùa đội hạc bằng đồng, bộ bát bửu…
Đền thờ Trương Định là nơi thờ tự, lưu danh, tưởng niệm và thăm viếng của nhân dân về người con ưu tú của quê hương, người có công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, bảo vệ nước nhà vào nửa cuối thế kỷ XIX. Tên tuổi Trương Định là niềm tự hào, cảm phục của nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là nguồn tư liệu lịch sử có giá trị góp phần bổ sung, đóng góp, tô thắm thêm trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Cán bộ, đoàn viên, thanh niên tỉnh tham quan Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trương Định. |
Phát huy giá trị di tích
Ngày 24/2/2023, di tích lịch sử Đền thờ Trương Định đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Hiện di tích Đền thờ Trương Định do Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ quản lý, phát huy hiệu quả và thu hút hàng chục nghìn du khách tham quan trong và ngoài nước hằng năm.
Để tưởng nhớ nhân cách, tài năng và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trương Định, nhân dân đã lập nhiều đền thờ, miếu thờ, dựng tượng đài tại tỉnh Tiền Giang và Quảng Ngãi. Tên ông được đặt cho tên làng nơi ông sinh ra và trải qua thời niên thiếu, nhiều ngôi trường trong cả nước từ Bắc chí Nam tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Ngãi, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… đều mang tên ông. |
Anh Lê Văn Tiến, ở tỉnh Tiền Giang, trong lần đi công tác ngang qua Quảng Ngãi, anh đã đến viếng hương bày tỏ lòng thành kính trước vị anh hùng dân tộc. “Tên tuổi Trương Định là niềm tự hào, cảm phục không chỉ của nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tôi đến đây tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của ông và xem đây là nguồn tư liệu lịch sử có giá trị góp phần tô thắm thêm trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam”, anh Tiến nói.
Đoàn viên, thanh niên tham quan các hiện vật, hình ảnh tại Nhà trưng bày Đền thờ Trương Định. |
Cán bộ giáo viên và Học sinh tham quan tìm hiểu lịch sử tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Trương Định, ảnh: ĐVCC |
“Đền thờ Trương Định là một địa chỉ kết nối tuyến trình du lịch từ trung tâm TP.Quảng Ngãi đến Khu Văn hóa Thiên Mã - chùa Thiên Ấn – Khu chứng tích Sơn Mỹ - Khu nghĩ dưỡng Mỹ Khê. Để phát huy di tích, trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục lập quy hoạch đầu tư, tôn tạo di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Đền thờ Trương Định; mở rộng diện tích khoanh vùng về phía Nam khu vực núi Đầu Voi. Đồng thời tiếp tục sưu tầm bổ sung các tài liệu, hình ảnh, hiện vật và những câu chuyện liên quan đến Trương Định để nội dung thuyết minh tăng thêm tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan”, bà Kiều cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: