Bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO

08:34, 04/07/2023
.

 Việt Nam luôn coi việc giữ gìn, phát huy các di sản, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên là tri ân truyền thống, bảo đảm quyền phát triển của các thế hệ tương lai. Các di sản văn hóa sau khi được UNESCO công nhận, ghi danh đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC

Ngày 3/7, tại Ninh Bình, UBND tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam".

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng-Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn-Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Hà Kim Ngọc-Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Lê Thị Hồng Vân-Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO.

Dự hội nghị còn có lãnh đạo 32 địa phương, đại diện UNESCO, các nhà nghiên cứu và đại diện cộng đồng người dân nơi có danh hiệu UNESCO.

Hội nghị là "không gian mở" cho thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn đối với vấn đề phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam. Đặc biệt là chia sẻ những kinh nghiệm và tầm nhìn về kiến tạo thể chế đặc thù cho quản lý và phát triển đô thị di sản được UNESCO vinh danh; cơ chế đặc thù giải phóng và huy động nguồn lực cho bảo tồn và phát triển di sản; các phương thức đô thị hóa và phân loại đô thị phù hợp chức năng đô thị di sản sở hữu danh hiệu của UNESCO, tránh được áp lực của mô hình "đô thị nén" gây xung đột với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; sáng tạo nên mô hình cư trú và sinh kế chuyển đổi phù hợp cho cư dân trong các đô thị di sản hướng vào giải quyết tốt cả mục tiêu bảo tồn và phát triển; mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các đô thị di sản mà UNESCO đã vinh danh.

Ưu tiên các nguồn lực để bảo vệ di sản văn hóa

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Việt Nam đã xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Dân tộc Việt Nam văn hiến với lịch sử bốn nghìn năm luôn nhận thức rõ và coi việc giữ gìn, phát huy các di sản, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên là tri ân truyền thống, bảo đảm quyền phát triển của các thế hệ tương lai.

"Trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO từ năm 1976, người Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động, hợp tác với các đối tác, nhất là với UNESCO", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 Di sản văn hóa phi vật thể, 9 Di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có thể nói, các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, bằng tất cả sự trân quý của mình đối với các di sản nói chung, di sản được UNESCO ghi danh nói riêng, công tác xây dựng hệ thống văn bản pháp luật ngày càng được hoàn thiện, trong đó có Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam ban hành là minh chứng điển hình về bảo vệ, quản lý các Di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới tham khảo, áp dụng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua, việc triển khai các quy hoạch, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị cho các di sản luôn được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của các di sản văn hóa giai đoạn 2021-2025, trước mắt đầu tư tu bổ, tôn tạo 17 di sản, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh. Các di sản thế giới được quan tâm tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp, được kiểm kê, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn, phát huy giá trị; bộ máy, nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, kiện toàn; các nguồn lực để bảo vệ di sản văn hóa được ưu tiên, huy động tối đa; các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương cùng tham gia bảo vệ di sản văn hóa cũng như chia sẻ những lợi ích đem lại từ di sản, tạo ra sự gắn kết xã hội bền vững.

Thực tế cho thấy, các di sản văn hóa sau khi được UNESCO công nhận, ghi danh đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê, trước thời điểm dịch COVID-19, năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC
Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn di sản
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ niềm vui khi những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Văn hóa đã thực sự là nền tảng, giáo dục là động lực, khoa học công nghệ là mũi nhọn của phát triển bền vững.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, bên cạnh những câu chuyện thành công, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn đang trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO. Nhận thức về di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững chưa thực sự thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, lâu dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC

Ninh Bình: Sáng tạo, lan tỏa, giữ gìn và phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc sắc
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, Ninh Bình là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu danh hiệu "kép" của UNESCO: Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nhờ sở hữu những giá trị riêng có về địa lý, sinh thái và nhân văn, lại nằm ở vị trí yết hầu cực Nam khu vực miền Bắc, là điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp liên vùng giữa vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, rộng hơn là giữa các vùng cả nước, đã tạo cho Ninh Bình nguồn tài nguyên văn hóa, sinh thái phong phú, độc đáo và "gánh vác" những sứ mệnh lịch sử đặc biệt trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Cùng với những di sản đã được UNESCO vinh danh, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với diên cách và cốt cách riêng có. Đó là gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ cổ chí kim, từ truyền thống đến hiện đại.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: BTC
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: BTC

Nhận thức rõ những giá trị đó là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững; cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, với những quyết sách và bước đi đúng đắn, phù hợp, quyết tâm kiên định thực hiện những đột phá chiến lược theo hướng phát triển "Xanh và bền vững", kinh tế tỉnh Ninh Bình những năm qua đã vươn lên, phát triển hài hòa trên 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - Công nghiệp và Dịch vụ, nhất là ngành du lịch phát triển mạnh mẽ và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ năm 2022, Ninh Bình đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương là 9%. Đặc biệt là đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản Thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Theo DIỆP ANH/Chinhphu.vn

 

Xuất bản lúc: 08:34, 04/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.