(Báo Quảng Ngãi)- Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 (âm lịch) không chỉ diễn ra ở đất tổ Phú Thọ, mà tại Quảng Ngãi cũng có một số địa phương tổ chức dâng hương, tri ân công đức tổ tiên, hướng về nguồn cội.
Tri ân các bậc tiền nhân
Tại nhiều đình làng, dinh miếu, các họ tộc ở Quảng Ngãi, người dân đều tổ chức giỗ Tổ với tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên, ông bà. Để chuẩn bị cho ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, người dân và các thành viên ban hộ tự đình đã tập trung tại đình làng Ngọc Án, ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Chánh, (TP.Quảng Ngãi) lau dọn khuôn viên đình... Mỗi người mỗi việc, chung tay lo cho ngày lễ hằng năm của dân làng được diễn ra tươm tất. Trưởng ban Hộ tự đình làng Ngọc Án Lê Chính Nhân cho hay, đình đã tồn tại hơn 100 năm nay. Đây là nơi do nhân dân tạo lập để thờ vị Trấn Quốc công Bùi Tá Hán và các vị thần làng. Nơi đây có lưu giữ 6 sắc phong thần do các triều vua phong tặng. Lễ giỗ Tổ tại đây là để bày tỏ lòng thành kính tới các Vua Hùng, các vị thần làng, sau là giáo dục con cháu nhớ về truyền thống, cội nguồn. Con cháu gần xa dù có bận đến đâu cũng sắp xếp về dự đông đủ.
Thành viên Ban hộ tự đình làng Ngọc Án, ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) dâng hương tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân. Ảnh: TRÍ PHONG |
"Đình làng Ngọc Án luôn là niềm tự hào của người dân địa phương, là nơi nâng cao tinh thần gắn kết cộng đồng, giáo dục con cháu về truyền thống của cha ông và bảo tồn những di sản văn hóa của một vùng đất”, ông Nhân bày tỏ.
Đã thành thông lệ, người dân ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) cũng tụ họp tại dinh Bà để dâng lễ vật, vọng cúng các Vua Hùng và các vị thần làng vào ngày giỗ Tổ. Ông Trương Bình, thành viên quản lý tại dinh Bà cho hay, năm nay, chúng tôi chuẩn bị lễ tươm tất hơn. “Thành viên ban quản lý dinh là người lớn tuổi có uy tín ở địa phương được tín cử làm chủ tế. Các vị cao niên chuẩn bị hương đèn, áo dài khăn đóng chỉnh tề. Khi những phẩm vật sửa soạn xong, phần nghi lễ được tổ chức trang nghiêm. Trong nghi thức lễ, khấn lời ghi nhớ công đức Vua Hùng và các vị thần làng. Dịp này, con cháu gần xa tập trung đông đủ, hỏi thăm công chuyện làm ăn, sức khỏe. Tình đoàn kết trong xóm làng, quê hương thêm bền chặt”.
Thiêng liêng và tự hào
Cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, các hộ gia đình ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) cũng tụ họp tại đình Lâm Sơn để dâng lễ vật, vọng cúng các Vua Hùng và các bậc tiền hiền, hậu hiền. Trước ngày giỗ Tổ, người dân trong làng khá bận rộn, mọi người lo tu sửa nghĩa từ, chỉnh trang lại sân đình làng. Trưởng ban Quản lý đình Lâm Sơn Đoàn Pháp Luật cho biết, hiện nay, Sở VH-TT&DL đang đầu tư kinh phí gần 500 triệu đồng tu sửa đình làng, nhân dân trong làng ủng hộ hơn 20 triệu đồng để sửa lại nghĩa từ để lễ cúng mùng 10 tháng 3 được tươm tất hơn.
Ông Bùi Văn Hiến, ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân bày tỏ, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tôi đều sắp xếp công việc gia đình để về đình Lâm Sơn tham gia sửa soạn, chuẩn bị cùng các bô lão trong làng hoàn thành các nghi thức cúng. “Là người con của làng, nên về với cội nguồn là niềm tự hào, thiêng liêng và cũng là thể hiện trách nhiệm của con cháu đời sau với công đức tiền nhân, với cha ông đã có công dựng xây đất nước”, ông Hiến bộc bạch.
Dòng họ Vũ - Võ, ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) hay ở Từ đường họ Trần, thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) và nhiều tộc họ ở các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức dâng hương, lễ vật nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Ông Trần Mẫn, thành viên Ban Quản lý Từ đường họ Trần cho biết, từ đường là nơi thờ chí sĩ Trần Du và dòng họ Trần. Chúng tôi chọn ngày giỗ trùng với ngày giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục con cháu về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phấn đấu học tập, lao động để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Phát huy sức mạnh đoàn kết Nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Sở VH-TT&DL, nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. "Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đã lan tỏa mạnh mẽ trong tâm thức bao thế hệ người dân ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Việc tổ chức giỗ Tổ không chỉ là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc, tri ân các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, mà còn là dịp để giáo dục các thế hệ trẻ, cổ vũ các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và phồn vinh”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh. |
TRÍ PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: