(Báo Quảng Ngãi)- "Hương cau" là tập thơ của nhà thơ Nga RiVê, do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi ấn hành năm 2019. Nữ nhà thơ đã gửi gắm tình yêu đối với quê hương Sơn Tây qua những vần thơ mộc mạc mà da diết, thắm tình.
|
||
Bìa tập thơ “Hương cau”. Ảnh: PhAN BÁ TRÌNH |
Nhà thơ Nga RiVê tên thật là Hy Nga, quê huyện Sơn Tây. Nga RiVê là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Chị là một nhà giáo yêu nghề, yêu quê hương, xứ sở. Tình yêu quê hương đã khơi nguồn để Nga RiVê dành nhiều tâm huyết viết nên những bài thơ hay, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Thơ của Nga RiVê luôn xuất hiện hình ảnh của vùng cao Sơn Tây với nhiều địa danh, nhạc cụ, tên sông, tên núi... Với tập thơ "Hương Cau", Nga RiVê đã trải lòng mình với tình yêu quê hương thắm thiết.
Hình ảnh những cô gái người Ca Dong được khắc họa qua những câu thơ làm lay động lòng người: "Cô gái Ca Dong lội suối băng đèo/ Địu mặt trời trên lưng/ Ôm mặt đất dưới bụng/ Tỉa bắp lúa/ Trồng khoai mì/ Mồ hôi tưới tắp xanh rì" (Tình yêu rộn rã trào tuôn). Hay như "Cô gái Ca Dong hôm nay/ Cần mẫn như ong làm mật/ Kiên trì như kiến tha mồi/ Khép dần cuộc sống nghèo đói/ Ồn ã điệu nhạc avam! ..." (Cô gái Ca Dong).
Khi mùa vàng về trên rẫy của mẹ, tác giả Nga RiVê đã viết: "Mẹ ơi! Dưới ánh nắng hồng/ Rẫy mẹ sóng lúa trùng trùng biển xanh/ Hạt vàng hạt ngọc long lanh/ Cho con dòng sữa ngọt lành thơm tho!" (Rẫy mẹ). Lời thơ chân thành, mộc mạc như chính con người đằm thắm của tác giả đã mang đến cho bạn đọc cảm nhận về sự đổi thay, phát triển trong đời sống của đồng bào Ca Dong ở vùng cao Sơn Tây: "Mẹ già không còn nép mình trong vỏ cây/ Chàng trai không còn đeo khố/ Cô gái Ca Dong răng trắng như ngà/ Bầy em nhỏ hát ca/ Tung tăng đến trường học chữ" (Về lại Sơn Tây).
Với giọng thơ nhẹ nhàng, Nga RiVê đã giới thiệu đến bạn đọc một loạt từ ngữ địa phương của người Ca Dong như: Gu kraq (người già, chủ gia đình), plây-chêm (làng xóm), a-pam (chòi để lúa), ra-muông (tấm vải khoác lên mình), hoa pa niêng (hoa cau), mùa pađăng (mùa khô hạn), mùa ralim (mùa mưa), chim vling (chim chèo bẻo), Ia - vri (gà rừng), a-mrá (chim công), vu-vi (con dê)... Về âm nhạc, tác giả giới thiệu những nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong như: Chiêng, goang, avam, vravut và những làn điệu dân ca như kalêu, ra nghé...
Ngoài việc ca ngợi đất và người Sơn Tây, tác giả còn đề cập đến việc học của con trẻ ở vùng cao với niềm vui, khát khao con chữ: "Bà chỉ có cái chữ/ Chia cho các cháu/ Ơ, cháu trai, cháu gái/ Các cháu xòe tay đón lấy/ Nâng trứng, hứng hoa/ Đừng để rơi để rớt...." (Chia chữ).
Tác giả nhắc đến hình ảnh của ngày xưa trong hang hố, rừng rậm, với lối canh tác chọc lỗ tỉa hạt đầy khó khăn, gian khổ: "Ngày xưa, cuộc đời trong ống tre, ống trúc/ Trong hố hang, rừng rậm, bụi bờ/ Phát rẫy, ngủ hoang/ Làm nương, ăn bụi/ Vót cây chọc lỗ tra bắp, tỉa lúa/ Giành ăn trái rừng với chồn, với sóc/ Giành uống nước mạch với chuột, với chim" (Dệt mùa xuân).
Ngày nay, từ bàn tay, khối óc, đồng bào Ca Dong đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất: “Bây giờ khác rồi/ Vui quá! Con trâu sắt vang đồi/ Ủi đất làm đường liên huyện, liên xã..."; "Vui quá! Núi rừng cười ra lúa, ra cây/ Suối mì, suối khoai/ Cuộc sống nở hoa kết trái..." (Dệt mùa xuân). Bằng nghệ thuật so sánh, những câu thơ mang đầy thi ảnh đối nghịch nhau cho chúng ta thấy đời sống của đồng bào trên vùng đất ngàn cau ngày một no đủ, hạnh phúc.
Với lối viết tả thực và lời thơ nhẹ nhàng, mộc mạc, từng bài thơ trong tập thơ "Hương Cau" của tác giả Nga RiVê như những câu chuyện kể khắc họa về tình đất, tình người và những đổi thay nơi quê hương Sơn Tây xanh tươi, hùng vĩ.
PHAN BÁ TRÌNH