TẠO VIỆC LÀM CHO NHIỀU LAO ĐỘNG
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 1.831 tàu cá khai thác hải sản. Trong đó, tàu cá có chiều dài dưới 6m là 173 tàu. Ở nhóm tàu này, số lao động làm việc trên mỗi tàu chỉ từ 1 - 2 người, chủ yếu là các chủ tàu, chuyên làm nghề đánh bắt ven bờ. Còn lại, có 347 tàu cá có chiều dài từ 12 - 15m, hơn 950 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và 124 tàu cá dài trên 24m. Đây là nhóm tàu có lực lượng lao động trên biển đông, dao động từ 7 - 15 lao động/tàu. Năm 2023, nghề khai thác thủy sản trên biển trên địa bàn thành phố tạo việc làm trực tiếp cho hơn 17 nghìn ngư dân. Nếu tính bình quân, một chủ tàu cá trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đã tạo việc làm trực tiếp cho 8 lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương.
Cảng cá và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ thu hút tàu ngoài tỉnh đến bán hải sản, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. |
Tại xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), người dân thường rủ nhau đi bạn cho tàu anh Đỗ Văn Chì (47 tuổi), ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú. Bởi, suốt 14 năm qua, dù nghề câu có nhiều thời điểm trầm lắng vì sản lượng đạt thấp, nhưng tàu của anh Chì vẫn đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Là tàu chuyên làm nghề câu khơi, bình quân mỗi năm, ngư dân Đỗ Văn Chì cho tàu đi đánh bắt ở vùng biển xa từ 9 - 10 chuyến. Gần 1 năm qua, tàu của anh vươn khơi 10 chuyến, với sản lượng cá câu được ở mỗi chuyến biển dao động từ 7 - 8 tấn. Trong đó, có nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao, như cá hồng gú, cá mú, cá hố, cá đỏ.
Đánh bắt hải sản hiệu quả, ngư dân Đỗ Văn Chì không chỉ tạo ra thu nhập khá cho gia đình mình, mà còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 8 thuyền viên. Bình quân mỗi năm, các thuyền viên trên tàu anh Chì thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. “Làm việc trên tàu anh Chì, tôi yên tâm vì có thu nhập ổn định, nhưng bù lại mình phải có tay nghề giỏi. Có năm, khi giá cá hố thời điểm gần tết Nguyên đán tăng cao, từ 350 - 380 nghìn đồng/kg, thu nhập của thuyền viên chúng tôi tăng gần gấp đôi so với các chuyến biển thông thường, từ 12-15 triệu đồng/người/chuyến tăng lên 20-25 triệu đồng/người/ chuyến”, ngư dân Nguyễn Thành, ở xã Nghĩa Phú vui mừng bày tỏ.
Ngư dân phấn khởi vì khai thác hiệu quả. |
Tại xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), 3 năm nay, các chủ tàu làm nghề lưới chuồn tại địa phương thu hút lao động làm việc tại tàu bằng hình thức trả lương theo ngày, chứ không còn “ăn chia” theo sản lượng như trước đây. Bình quân mỗi ngày, một lao động làm việc tại tàu được trả lương từ 300 - 350 nghìn đồng. Thu nhập của các ngư dân làm việc tại tàu vì vậy mà ổn định hơn. “Nghề biển thường có năm được, năm không. Do đó, thời gian gần đây, để đảm bảo thu nhập cho thuyền viên trên tàu và cũng là để thu hút lao động, các chủ tàu chúng tôi cùng thỏa thuận trả lương cứng cho các thuyền viên. Từ khi tôi áp dụng hình thức trả lương này, bình quân một chuyến biển kéo dài 25 ngày, 10 thuyền viên trên tàu, mỗi người có thu nhập gần 9 triệu đồng”, chủ tàu cá Lê Tuấn Duẫn, ở xã Nghĩa An chia sẻ.
SINH KẾ CỦA LAO ĐỘNG TRÊN BỜ
Không chỉ tạo sinh kế ổn định cho hơn 17 nghìn lao động đi biển, nghề khai thác thủy sản trên địa bàn TP.Quảng Ngãi còn tạo việc làm cho nhiều lao động trên bờ. Tại các xã ven biển trên địa bàn thành phố, hàng nghìn lao động có công việc ổn định nhờ nghề thu mua hải sản, sửa chữa tàu thuyền, bán và sửa chữa ngư cụ, bốc dỡ, vận chuyển hải sản tại các cảng cá, cảng neo trú và bến cá tư nhân trên địa bàn...
Lao động lớn tuổi tại xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vá lưới cho các chủ tàu làm nghề lưới chuồn. |
Tại cảng cá và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ, xã Tịnh Kỳ, từ nhiều năm nay, tận dụng lợi thế có cảng neo đậu tàu thuyền với lượng tàu cập cảng bán hải sản khá đông, người dân địa phương đã phát triển khoảng 10 tổ chuyên bốc dỡ, vận chuyển hải sản, với sự tham gia của hơn 200 lao động. “Bốc dỡ đủ 1 tấn hải sản từ khu vực cầu cảng chỗ tàu neo đậu, ra đến các xe đông lạnh cách đó chừng 300m, chúng tôi sẽ được trả công từ 300 - 400 nghìn đồng. Cứ thế, thành viên trong tổ chia việc ra để làm, để cùng có thu nhập. Nhờ vào công việc này, bình quân mỗi tháng, mỗi thành viên của tổ có 5 - 6 triệu đồng để trang trải, lo cho gia đình”, chị Nguyễn Thị Sương, thành viên tổ bốc dỡ hải sản tại Tịnh Kỳ chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Lâm, thời gian qua, với điều kiện thuận lợi cùng sự phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành thủy sản, nhất là khai thác thủy sản của thành phố đã có bước phát triển đáng khích lệ, tạo việc làm và thu nhập khá cho nhiều người dân. Tuy nhiên, để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững, trong thời gian đến, TP.Quảng Ngãi sẽ đồng hành cùng ngư dân phát triển nghề cá theo hướng hiện đại và có trách nhiệm, gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đầu tư thực hiện 2 dự án liên quan đến nghề cá là dự án nâng cấp, mở rộng khu neo đậu kết hợp tránh trú bão Tịnh Hòa, Khu neo đậu tránh bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy. Công trình này hoàn thành, sẽ tạo đà để TP.Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ nghề khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: