(Báo Quảng Ngãi)- Truyền thông và giảm nghèo về thông tin là dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Huyện Tư Nghĩa đã chú trọng thực hiện dự án này nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Đa dạng hoạt động truyền thông
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong việc truyền thông và giảm nghèo về thông tin để bù đắp những thiếu hụt về thông tin và truyền thông cho người dân. Theo đó, huyện Tư Nghĩa đẩy mạnh thực hiện dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin với 2 tiểu dự án giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều.
Năm 2022, huyện được bố trí nguồn kinh phí 21 triệu đồng thực hiện tiểu dự án giảm nghèo về thông tin và 24 triệu đồng thực hiện tiểu dự án truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Đến năm 2023, địa phương được bố trí nguồn kinh phí gần 385 triệu đồng thực hiện dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Cán bộ Hội LHPN xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) hướng dẫn, động viên gia đình hội viên phát triển kinh tế. |
Từ nguồn kinh phí trên, huyện Tư Nghĩa đã xây dựng các ấn phẩm, kết hợp đồ họa thông tin tuyên truyền trên trang tin điện tử và mạng xã hội; đồng thời, lắp đặt pa nô và áp phích tại các xã, thị trấn; tổ chức biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho biết, địa phương tổ chức lắp đặt pa nô tuyên truyền, xây dựng cổng thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử của huyện. Đồng thời, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh huyện và đài phát thanh các xã, thị trấn về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 để nhân dân biết và thực hiện.
Năm 2023, huyện Tư Nghĩa còn phối hợp với Báo Quảng Ngãi, Đài PT&TH tỉnh thực hiện chuyên mục truyền thông về giảm nghèo bền vững. Trong đó, Báo Quảng Ngãi thực hiện tuyên truyền 10 số trên báo in và 10 video, phóng sự trên Quảng Ngãi điện tử; Đài PT&TH tỉnh thực hiện 7 phóng sự truyền hình. Qua đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế được lan tỏa đến cộng đồng dân cư, tạo động lực cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, nhiều hộ dân ở huyện Tư Nghĩa đã vươn lên thoát nghèo. |
Đầu năm 2023, xã Nghĩa Thắng có 79 hộ nghèo, chiếm 2,83% và 199 hộ cận nghèo, chiếm 7,14%. Đến nay, Nghĩa Thắng đã hoàn thành mục tiêu của năm 2023, trong đó, giảm 4 hộ nghèo tương đương với tỷ lệ hộ nghèo còn 2,69% và giảm 28 hộ cận nghèo tương đương với tỷ lệ hộ cận nghèo còn 6,14%. Để đạt được kết quả đó, xã Nghĩa Thắng đã tăng cường hoạt động truyền thông thông tin về giảm nghèo bền vững. Qua đó, người dân được nắm bắt những thông tin quan trọng về chủ trương chung cũng như mạnh dạn phát triển sản xuất, chăn nuôi góp phần giảm nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Phạm Chinh cho biết, địa phương thực hiện 2 chương trình giảm nghèo, gồm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo đó, trong năm 2023, có 22 hộ được hỗ trợ bò tái sinh sản. Địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân về giảm nghèo bền vững thông qua các cuộc họp khu dân cư, họp ban giảm nghèo, các hội nghị khác ở thôn...
Giảm nghèo bền vững
Huyện Tư Nghĩa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 0,11 - 0,35%; chỉ tiêu đến năm 2025 giảm 1/3 số hộ nghèo và cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,02% và hộ cận nghèo còn 2,38%. "Để đạt chỉ tiêu đề ra trong công tác giảm nghèo, huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện, với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả", Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho biết.
Huyện Tư Nghĩa đề ra nhiều giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đồng thời khơi dậy, khuyến khích sự tích cực, chủ động của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc tham gia học nghề, tổ chức sản xuất, đăng ký thoát nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Kỳ Bùi Thị Thường cho hay, Mặt trận xã luôn quan tâm thực hiện chương trình an sinh xã hội, trong đó chú trọng hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài nguồn hỗ trợ của Mặt trận các cấp, Mặt trận xã còn tăng cường tuyên truyền, vận động người thân của hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở hỗ trợ vật chất, ngày công để hoàn thiện nhà ở với mức chi phí thấp nhất.
Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ bà Tống Thị Minh (75 tuổi), ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). |
Cuối tháng 11/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Kỳ đã bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Tống Thị Minh (75 tuổi), ở thôn Phú Sơn. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Kỳ, tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029. “Mặt trận xã và doanh nghiệp cùng người thân đã hỗ trợ để tôi kịp thời hoàn thiện ngôi nhà trước mùa mưa bão. Ngôi nhà được xây dựng với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Được sống trong ngôi nhà mới với sự sẻ chia yêu thương, tôi cảm thấy rất ấm lòng”, bà Minh bộc bạch.
Qua đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững, giúp người dân nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Từ đó, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tư Nghĩa để xây dựng chuồng trại, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thắng Đinh Thị Nô cho biết, hội LHPN xã có gần 2.700 hội viên, phụ nữ. Hội thường xuyên xuống từng chi hội để tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ chủ động hơn trong việc tiếp cận các chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm giảm nghèo bền vững, nhất là nắm thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách. Đến nay, có 526 hội viên, phụ nữ vay vốn ngân hàng chính sách với tổng dư nợ 27 tỷ đồng. Phần lớn hội viên, phụ nữ vay vốn để trồng keo, chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: