Khơi lại nghề làm mật mía truyền thống

21:34, 15/12/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (38 tuổi) cùng chồng là anh Đoàn Đức Uy (40 tuổi) ngụ thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) đã mạnh dạng khôi phục phương thức sản xuất mật mía truyền thống, kết hợp máy móc hiện đại để nâng cao giá trị cho cây mía.

Trăn trở với sản phẩm truyền thống

Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Thủy sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh với công việc ổn định mà bao người mơ ước. Sinh ra từ xứ sở của mía đường, vợ chồng chị Thủy không khỏi luyến tiếc khi nghề trồng mía, nấu đường một thời đưa tên tuổi xứ Quảng nổi tiếng trong và ngoài nước dần tàn lụi. Sau một hồi trăn trở, năm 2016, vợ chồng chị Thủy quyết định bỏ phố về quê, để tìm hướng đi cho cây mía.

Chân dung chị Nguyễn Thị Thu Thủy cùng sản phẩm mật mía.
Chân dung chị Nguyễn Thị Thu Thủy cùng sản phẩm mật mía.

Chị Thủy bộc bạch, trước đây, nghề trồng mía cho thu nhập gấp đôi so với trồng lúa nhưng khi đầu ra cho cây mía không còn đảm bảo, nông dân đã giảm dần diện tích trồng. Do vậy, nếu như phát triển được một nghề tạo đầu ra cho cây mía thì có thể giúp người dân mở rộng lại diện tích trồng mía, tăng thu nhập.

Nghĩa là làm, đôi vợ chồng trẻ không chỉ tìm hiểu thông tin qua mạng Internet, sách báo mà còn “gõ cửa” từng nhà các hộ dân còn gắn bó với nghề đường mía tại địa phương để hiểu về nghề mía đường truyền thống và tìm đến những cơ sở sản xuất mía có quy mô lớn trên khắp cả nước để học hỏi thêm.

Sau 4 năm chuẩn bị, tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng chị Thủy dùng hết số tiền tích góp và vay mượn thêm từ người thân, bạn bè đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở, bắt tay vào công cuộc hồi sinh sản phẩm từ cây mía và giữ gìn trọn vẹn hương vị mật mía truyền thống xưa.

Quy trình róc vỏ mía được thực hiện bằng máy móc.
Quy trình róc vỏ mía được thực hiện bằng máy móc.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (bên trái) kiểm tra dòng nước mía sau khi được ép qua máy.
Mía được ép qua máy lấy nước trước khi nấu cô đặc.

Trải qua không ít lần thử nghiệm thất bại, năm 2021, sản phẩm mật mía tự nhiên với tên gọi Mật mía Miền Xanh chính thức được đưa ra thị trường bằng hình thức bán hàng trực tuyến. Trong năm đầu tiên hoạt động, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy thu lợi nhuận 200 triệu đồng. Họ đã chứng minh được kiên trì chính là chìa khóa của sự thành công.

Nâng cao giá trị cây mía

Với quy trình sản xuất hoàn toàn tự nhiên, Mật mía Miền Xanh đảm bảo những tiêu chí về sạch, an toàn và thuần tự nhiên, đáp ứng được 3 không: không hóa chất phụ gia; không chất tạo màu, tạo hương vị; không chất bảo quản.

Đế cho ra sản phẩm mật mía hoàn chỉnh, những cây mía thô phải trải qua 5 công đoạn gồm: Phân loại mía, lựa chọn những cây to thẳng, đạt chất lượng; bào vỏ mía; ép nước mía; chưng cất nhằm cô đặc nước mía sau quá trình nấu kéo dài từ 10 - 12 tiếng; và lóng mật nhằm loại bỏ cặn bã còn sót lại sau khi nấu. Mía sau lóng mật xong, để nguội rồi đóng nắp bảo quản. Mật mía đạt chuẩn có thể giữ được 1 - 2 năm. Khác với vị ngọt sắc của đường tinh luyện, mật mía với màu nâu vàng óng, vị ngọt dịu, quyện thơm hơn và có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Mật mía sau khi trải qua quá trình cô đặc được lóng bỏ cặn.
Mật mía sau khi trải qua quá trình cô đặc được lóng bỏ cặn.

“Với mong muốn tiếp tục đưa tên tuổi xứ Quảng vươn xa cùng sản phẩm truyền thống, nên điều chúng tôi đặt lên hàng đầu là uy tín, chất lượng. Chính lẽ đó, sản phẩm Mật mía Miền Xanh đến nay đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng, có mặt tại nhiều tỉnh thành trong nước và cả nước ngoài”, chị Thủy chia sẻ.

Thời điểm hiện tại, mỗi ngày cơ sở của chị Thủy tiêu thụ 1,5 - 2 tấn mía với thành phẩm từ 150 - 200 lít mật mía. Đem lại lợi nhuận hơn 800 triệu đồng/ năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Thủy còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên tại địa phương mà đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều nông dân tại các xã Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) và xã Hành Minh (Nghĩa Hành) trồng mía tham gia liên kết sản xuất.

Bà Phạm Thị Liên phấn khởi khi ruộng mía có đầu ra ổn định.
Bà Phạm Thị Liên phấn khởi khi ruộng mía có đầu ra ổn định.

Là một trong những hộ tham gia trồng mía liên kết cùng cơ sở sản xuất mật mía của chị Thủy, bà Phạm Thị Liên ngụ thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa phấn khởi bày tỏ, vì ở gần nên mía sau khi thu hoạch đưa đi tiêu thụ rất dễ, tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Với 1ha mía, sau khi trừ chi phí, tôi thu được 70 – 80 triệu đồng/ năm. Sắp tới, tôi dự kiến sẽ tăng diện tích trồng mía lên 2,5 ha, cung cấp cho cơ sở làm mật mía của chị Thủy để kiếm thêm thu nhập.

Nói về dự định sắp tới, chị Thủy chia sẻ, chúng tôi dự định sẽ sử dụng máy nấu điện thay lò nấu truyền thống; tận dụng phụ phẩm làm phân bón hữu cơ; mở rộng vùng nguyên liệu và ra mắt thêm 4 sản phẩm mới. Cùng với đó chúng tôi sẽ cải tiến nhà máy, quy trình sản xuất và vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó, nâng cao thị phần trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu, đưa mật mía truyền thống Việt Nam lên bản đồ gia vị thế giới.

Bài, ảnh: T.NHÀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:34, 15/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.