Sơn Tây, xa mà gần

14:19, 10/02/2024
.
 

 

(Báo Quảng Ngãi)- Để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các huyện miền núi và khu vực đồng bằng trong tỉnh, huyện Sơn Tây đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số (CĐS). 

Không ngừng đổi mới

Tháng 11/2023, Sở TT&TT thông báo kết quả đánh giá CĐS các cơ quan nhà nước tỉnh năm 2022. Trong đó, ở bảng xếp hạng đối với các huyện, thị xã, thành phố, Sơn Tây đứng vị trí thứ 7/13. Còn tính riêng các địa phương miền núi, Sơn Tây là huyện có thứ hạng cao nhất.


Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân thường xuyên kiểm tra, giám sát tại Bộ phận một cửa cấp huyện và lắng nghe phản ánh của công dân.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân thường xuyên kiểm tra, giám sát tại Bộ phận một cửa cấp huyện và lắng nghe phản ánh của công dân.

Là địa phương miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên điểm số ở tiêu chí hoạt động xã hội số, Sơn Tây ở mức thấp. Tuy nhiên, đối với những tiêu chí liên quan đến sự tham gia của chính quyền địa phương vào CĐS như hoạt động chính quyền số, thể chế số, Sơn Tây đều đạt điểm số cao.

Năm 2023, đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, 100% cơ quan nhà nước của huyện Sơn Tây thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử sử dụng chữ ký số thay thế văn bản giấy. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã trên địa bàn huyện. Các trang thiết bị tại bộ phận một cửa từ huyện đến xã được quan tâm đầu tư.

Bộ phận một cửa huyện Sơn Tây được đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Bộ phận một cửa huyện Sơn Tây được đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, huyện Sơn Tây đẩy mạnh CCHC, nỗ lực giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân. Năm 2023, cấp huyện và xã trên địa bàn đã tiếp nhận hơn 16,5 nghìn hồ sơ TTHC và đã giải quyết trước hạn hơn 16,3 nghìn hồ sơ. Trong đó, tại cấp xã, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trước hạn cho người dân đạt 99,14%.

Hiện thực hóa khát vọng

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, năm 2023, dù huyện đã đạt được kết quả nhất định trong CCHC và CĐS, nhưng đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, trên hành trình hiện thực hóa khát vọng “Sơn Tây, tuy xa mà gần”.

 

“Sơn Tây là địa phương miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nên địa phương xác định, đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách TTHC là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đây còn là giải pháp giúp huyện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, để tuy xa xôi về địa lý, nhưng Sơn Tây vẫn thu hút, ghi điểm đối với các nhà đầu tư. Từ đó, kêu gọi được nhiều dự án, mở ra cơ hội phát triển và tạo thêm việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, thông qua thúc đẩy CĐS, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân chia sẻ.

Người dân Sơn Tây mang các sản vật quê hương xuống TP.Quảng Ngãi.
Người dân Sơn Tây mang các sản vật quê hương xuống TP.Quảng Ngãi.

Năm 2024, huyện Sơn Tây tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa đảm bảo về chất lượng, tiến độ. Nâng cao tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trực tuyến và thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Đây là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của huyện trong cả giai đoạn 2021- 2025.

Cùng với đó, huyện tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa nước kém hiệu quả, diện tích cây keo, mì sang cây trồng cạn, hoa màu, cây ăn quả, cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững, đảm bảo tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 60%. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, để 5/9 trường mầm non đạt chuẩn, 5/9 trường tiểu học - THCS đạt chuẩn và 100% trường THCS đạt chuẩn...

Cây cau  mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Cây cau mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Về lâu dài, huyện Sơn Tây tiếp tục phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong đó, tập trung hỗ trợ 50% hộ sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn đưa thông tin sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Phấn đấu để doanh thu tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử mỗi năm đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Khoảng 80% trường học sử dụng nền tảng số trong công tác giảng dạy và hoạt động quản lý... Đây là những giải pháp căn cơ của chính quyền huyện Sơn Tây nhằm lan tỏa tiện ích của CĐS, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng tới cuộc sống hiện đại, tiện ích.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:19, 10/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.