(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Hà đã triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Từ các mô hình hỗ trợ sinh kế, vay vốn ưu đãi, hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn huyện đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế hiệu quả
Cách đây hơn 5 năm, ông Đinh Xuân Phăng và nhiều hộ dân khác ở thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao được huyện hỗ trợ 250 cây giống bưởi da xanh. Sau một thời gian chăm sóc, ông Phăng nhận thấy cây bưởi da xanh phù hợp với điều kiện tại địa phương nên mua thêm giống về trồng. Đến nay, vườn bưởi của ông Phăng có khoảng 450 cây. Hiện bưởi đang cho quả sum suê, nhưng để dưỡng sức cho cây, mỗi cây ông Phăng chọn để lại 20 quả. Theo tính toán của ông Phăng, số bưởi này sẽ chín vào dịp Tết, với giá bán từ 20 - 40 nghìn đồng/kg, ước tính thu nhập của gia đình từ vườn bưởi trên 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh phát triển vườn cây ăn quả, năm 2023, ông Phăng còn tham gia nhóm hộ chăn nuôi gà cùng với 9 hộ dân khác. Gà được nuôi tập trung trên diện tích đất của ông Phăng. Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 2.800 con gà giống (0,5kg/con) và thức ăn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Qua triển khai thực hiện, các hộ thu lãi 10 triệu đồng/hộ sau 3 tháng thả nuôi. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà tập trung, các hộ tự bỏ vốn để tái đàn. Năm 2024, các hộ dân này tiếp tục được hỗ trợ gà giống, thức ăn đợt 2 để chăn nuôi. “Chăn nuôi gà theo mô hình tập trung đem lại hiệu quả cao hơn so với nuôi riêng lẻ từng hộ. Chúng tôi phân công các hộ thay phiên nhau đảm nhận việc chăm sóc đàn gà. Nhờ đó, giảm được công lao động, nâng cao trách nhiệm của những người tham gia. Sau khi hết chương trình hỗ trợ, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mô hình chăn nuôi này với số lượng lớn hơn để phát triển kinh tế”, ông Phăng chia sẻ.
Mô hình chăn nuôi gà theo nhóm hộ tại xã Sơn Cao (Sơn Hà). |
Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ nguồn vốn cho vay chương trình dành cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Sơn Hà hơn 230 tỷ đồng, với hơn 9.850 hộ còn dư nợ. Bên cạnh đó, năm 2024, UBND huyện đã ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện 2 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, cận nghèo. Lũy kế đến nay, nguồn vốn ủy thác của huyện đã tăng lên gần 10 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 250 lượt lao động được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu hằng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững. |
Năm 2024, xã Sơn Hải có 14 hộ dân, trong đó phần lớn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, được hỗ trợ bò giống (2 con bò/hộ) để phát triển chăn nuôi theo nhóm hộ. Trên cơ sở đó, xã Sơn Hải đã thành lập 2 nhóm hộ chăn nuôi bò gồm: Thôn Làng Lành (7 hộ) và thôn Tà Mát (7 hộ). Hiện tại, dự án bò được triển khai tại 2 nhóm hộ này đang sinh trưởng, phát triển tốt, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi. Chị Đinh Thị Bíp, Trưởng nhóm chăn nuôi bò tập trung ở thôn Làng Lành cho hay, qua thảo luận, các thành viên trong tổ nhận thấy mỗi hộ chăn nuôi 2 con bò riêng lẻ cũng tốn 1 công/ngày. Thay vì vậy, 7 hộ cùng nhau chăn nuôi tập trung 14 con bò thì cũng chỉ mất 1 công/ngày. Vì vậy, tôi đã dành một phần diện tích đất của gia đình để cả nhóm hộ cùng đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi bò tập trung. Mỗi hộ được phân công cho bò ăn 1 ngày, nếu hộ nào tới lượt nhưng bận công việc đột xuất thì báo lại để nhóm trưởng phân công cho hộ khác thay. Nhóm cũng đã quy định mỗi hộ dành 1 sào đất để trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Tại khu chăn nuôi được lắp camera giám sát, nhóm trưởng có trách nhiệm quản lý, giám sát việc chăn nuôi chung. Hiện có 3 con bò đã đẻ, 11 con đang mang thai. Vậy là sang năm chúng tôi có lãi rồi.
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Hải Sang Thị Minh Ngọc, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xã Sơn Hải đã được bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi bò, heo, gà. Riêng mô hình chăn nuôi bò theo nhóm hộ có tổng vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ đồng, với 14 hộ được hưởng lợi. Trong đó, tổng số bò được hỗ trợ là 30 con (2 con bò cái/hộ và 1 con bò đực/nhóm). Qua chương trình này đã giúp người dân thay đổi cách chăn nuôi gia súc, đem lại hiệu quả cao hơn.
Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Có đất trồng keo, nhưng thiếu vốn nên gia đình chị Đinh Thị Ngọ, ở thôn Gia Ry, xã Sơn Trung không có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2004, nhờ sự giới thiệu của Hội Nông dân xã, chị Ngọ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để đầu tư chăn nuôi bò, trồng keo. Nhờ đó, năm 2020, gia đình chị Ngọ đã thoát nghèo. Không dừng lại ở việc thoát nghèo, cùng với số tiền tích góp, chị Ngọ tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Mới đây, chị Ngọ đã bán 3 con bò, thu về hơn 30 triệu đồng. Đàn bò của gia đình chị luôn duy trì từ 7 - 10 con. Ngoài ra, chị Ngọ còn chăn nuôi hơn chục con heo thịt để có thêm thu nhập.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Đinh Thị Sương, ở xã Sơn Trung (Sơn Hà), đã phát triển mô hình chăn nuôi heo ky, nâng cao thu nhập. |
Tương tự, chị Đinh Thị Sương, ở xã Sơn Trung đã được tiếp cận nguồn vốn chính sách dành cho hộ nghèo. Ban đầu, chị Sương vay 30 triệu đồng rồi nâng mức vay lên 50 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2018, chị Sương đã thoát nghèo. Năm 2023, chị Sương được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà giải ngân cho vay 70 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Với số tiền này, chị Sương đã đầu tư trồng gần 10 nghìn cây keo trên diện tích hơn 2ha; nuôi gần 40 con heo ky để chuẩn bị cho thị trường Tết năm 2025. Ngoài ra, chị Sương còn nuôi gần chục con dê. Đến nay, ước tính thu nhập mỗi năm của chị Sương hơn 100 triệu đồng. “Nhờ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH, gia đình tôi có điều kiện đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập. Tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm một khu chuồng trại để mở rộng chăn nuôi heo ky. Vậy nên, tôi mong ngân hàng CSXH tiếp tục tạo điều kiện để được vay vốn lãi suất thấp, đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên hộ khá giả”, chị Sương bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Trần Thanh Trung cho biết, thời gian qua, huyện Sơn Hà đã tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tiến hành bình xét hỗ trợ cây trồng, vật nuôi đúng đối tượng, nhu cầu và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở từng địa phương. Bên cạnh đó, chỉ đạo cán bộ các địa phương bám sát địa bàn, mô hình hỗ trợ để hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tránh tình trạng buông lỏng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực ủy thác qua ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho nhiều người có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Bài, ảnh: AN NHIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: