Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương
Vườn bưởi, quýt đường xanh mướt, lúc lỉu quả; hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt khắp vườn khá bài bản... Đó là vườn cây ăn quả có diện tích hơn 1ha của gia đình bà Đinh Thị Náo, thôn Làng Giữa, xã Long Môn, một trong những gương điển hình về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của địa phương. Bà Náo cho biết, hơn 1ha đất đồi vốn được trồng keo và mì. Nhưng từ năm 2019, Nhà nước hỗ trợ cây giống, vốn vay ưu đãi, cán bộ giúp đỡ kỹ thuật, nên gia đình cải tạo đất, chuyển sang trồng 600 cây bưởi và quýt đường. Đất rộng, cây nhiều nên tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, đỡ tốn thời gian mà hiệu quả tưới cao. Vừa chăm sóc cây ăn quả, tôi vừa trồng xen các loại rau màu, chăn nuôi gia cầm để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau hơn 4 năm trồng, cây bưởi, cây quýt xanh tốt trĩu quả. Sản phẩm tiêu thụ ổn định, đặc biệt là quýt đường được thị trường ưa chuộng nên giá bán cao. Thu nhập tăng giúp gia đình tôi thoát nghèo, lại có vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và chăm lo cho con ăn học.
Trồng cây ăn quả là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả địa bàn huyện Minh Long. Trong ảnh: Vườn bưởi của gia đình chị Nguyễn Thị Tỵ, ở thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn (Minh Long). |
Từ vườn mẫu nhà bà Náo, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Long Môn đã cải tạo vườn đồi để phát triển cây ăn quả, nhất là trồng quýt đường.
Tại xã Long Mai, nhiều hộ dân cũng thoát nghèo, phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi trâu, bò. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, người dân đã đầu tư chuồng trại, trồng cỏ, bổ sung thức ăn tinh và chủ động đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn còn đầu tư xây nhà chứa rơm, để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong những ngày mưa lạnh.
Ông Đinh Duối, ở thôn Trung Thượng (Long Mai) cho biết, Nhà nước hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi nên gia đình tôi có điều kiện đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Sau nhiều năm nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây được nhà ở khang trang, cuộc sống dần khấm khá.
Từ các nguồn hỗ trợ, gia đình ông Đinh Duối, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình. |
Trong phạm vi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2021 đến nay, huyện Minh Long đã tập trung chỉ đạo triển khai các dự án, tiểu dự án như: Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi trâu tại các xã Long Môn, Long Mai. Chuyển từ hỗ trợ sinh kế đơn thuần sang hỗ trợ có điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi nhận thức, tìm được hướng đi mới cải thiện cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã Long Môn Đinh Trung Hiếu cho biết, thông qua mô hình hỗ trợ sinh kế, các hoạt động hỗ trợ con giống, tư vấn kỹ thuật, cho vay vốn, giúp nhau cải tạo nhà ở... nhiều hộ nghèo, cận nghèo không chỉ có cơ hội tiếp cận kiến thức, trang bị kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi mà còn thắt chặt tính liên kết cộng đồng tại các địa phương. Qua đó, tạo động lực để nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Liên kết bền vững
Chè xanh, đối tượng cây trồng giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Minh Long có thu nhập khá, từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm, nhưng việc tiêu thụ nhỏ lẻ dẫn đến đầu ra bấp bênh, giá trị sản phẩm thấp. Trong khi đó, chè xanh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, với vùng nguyên liệu sẵn có trên 210ha (có hơn 100ha cây chè bản địa). Tận dụng lợi thế này, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến (Long Hiệp) đã hình thành chuỗi liên kết thu mua và tiêu thụ chè xanh, góp phần gia tăng sản lượng và giá bán từ 20% trở lên.
Hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thông qua cầu nối là các hợp tác xã giúp việc tiêu thụ nông sản thuận lợi. Trong ảnh: Bà Đinh Thị Hia, xã Long Mai mang chè xanh đến điểm tập kết thu mua của Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghi |
Ông Đinh Văn Sang, thôn Hà Bôi (Long Hiệp) cho biết, bình quân mỗi ngày tôi hái được từ 20 - 30 bó chè, được HTX thu mua với giá từ 7.000-8.000 đồng/bó, cao hơn thương lái từ 2.000 - 2.500 đồng/bó. Thu nhập tăng, lại ổn định nên gia đình tôi yên tâm chăm sóc và mở rộng diện tích chè. Hiện nay, mỗi ngày, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến thu mua từ 1.500 - 2.000 bó chè xanh thương phẩm (tương đương 1,5 - 2 tấn chè), với giá từ 7.000-7.500 đồng/bó. Qua đó góp phần ổn định đầu ra của sản phẩm, tạo động lực để người dân mạnh dạn chăm sóc, bảo tồn và phát triển cây chè xanh bản địa.
Ngoài chè xanh, một số loại nông sản trên địa bàn huyện Minh Long bước đầu đã được chế biến, như mật ong và trà nấm linh chi rừng. Tuy nhiên, các mặt hàng được sản xuất ở dạng thủ công, quy mô nhỏ nên thị trường tiêu thụ hẹp. Vì vậy, huyện Minh Long tập trung các nguồn lực đầu tư nhân rộng những mô hình sinh kế, hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ thông qua “cầu nối” là HTX. Qua đó góp phần ổn định đầu ra, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trà linh chi, sản phẩm được chế biến từ nấm linh chi - nông sản của huyện Minh Long được thị trường đón nhận. |
Chủ nhiệm Câu lạc bộ khởi nghiệp huyện Minh Long Lê Thị Thu Thủy cho biết, thành viên câu lạc bộ có thừa ý chí và khát vọng khởi nghiệp, nhưng lại thiếu nguồn lực và kinh nghiệm, kỹ năng tiếp cận thị trường. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi thành viên, chúng tôi mong huyện tiếp sức qua việc hỗ trợ vốn, máy móc, trang thiết bị đáp ứng các quy trình sản xuất, chế biến. Qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết, tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững là mục tiêu xuyên suốt, nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Vì vậy, ngoài hỗ trợ sinh kế phù hợp với nhu cầu và điều kiện người dân, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực theo phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”. Khơi dậy ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của người dân qua việc khai thác hiệu quả những giá trị mà các chính sách, dự án thoát nghèo mang lại, nhằm phát triển sản xuất, tạo thu nhập bền vững. Qua đó, góp phần giảm 231 hộ nghèo (4,4%) trong năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn gần 16,7%.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Minh Long tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư thực hiện nhiều dự án sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, chủ yếu là nuôi heo kiềng sắt, heo ky, tre lấy măng, cây ăn quả, chè xanh và trồng rừng bền vững. |
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: