Hát bội, loại hình nghệ thuật độc đáo

17:03, 05/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hát bội được nhiều người dân xứ Quảng nói chung và Quảng Ngãi nói riêng yêu thích, nên dân gian lưu truyền câu ca nổi tiếng: “Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ/ Má ơi đừng đánh con khờ/ Để con hát bội làm đào má nghe”.

Vang bóng một thời  

Hát bội có từ lâu đời, ở miền Bắc gọi là hát Tuồng. Người đặt nền móng, Tiền tổ hát bội cho xứ Đàng Trong là Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1572 - 1634), danh thần thời chúa Nguyễn. Ông đã mang hát bội từ miền Bắc vào. Đến thế kỷ XIX, Đào Tấn (1845 - 1907), cử nhân khoa Đinh Mão (1867), lần lượt giữ các chức Tổng đốc Nghệ - Tĩnh rồi Thượng thư Bộ Công, trở thành một nhà soạn giả hát bội tài ba, nổi tiếng với các tác phẩm chỉnh lý như Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương... Ông soạn nhiều vở mới như Diễn Võ Đình, Trầm Hương Các, Hồi trống cổ thành... Trong giai đoạn này, các đoàn hát bội được sự quan tâm của Triều Nguyễn. Đào Tấn đã nuôi các gánh hát bội trong cung, trực tiếp dạy và diễn hát bội. Ông được tôn vinh là Hậu tổ hát bội.

Thế kỷ XIX là thời kỳ cực thịnh của hát bội. Vua Gia Long đã cho xây dựng một nhà hát tuồng đầu tiên ngay trong Hoàng thành Huế mang tên Duyệt Thị Đường để phục vụ vua, hoàng hậu và các thân vương quan lại xem. Dưới thời Tự Đức, nhà vua đã tập hợp khoảng 300 kép hát giỏi từ các địa phương, bắt đầu từ Bình Trị Thiên vô đến tận Đồng Nai, chuyên biểu diễn cho vua chúa xem. Lúc này, khu vực miền Nam Trung Bộ có các dòng phái hát bội như tuồng Bình Định, tuồng xứ Quảng (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng) và tuồng Huế. 

Ảnh Nghệ nhân ưu tú Minh Lưỡng (giữa) và bạn diễn trong vở tuồng Tiết  Đinh San - Phàn Lê Huê. 	                      Ảnh: PV
Ảnh Nghệ nhân ưu tú Minh Lưỡng (giữa) và bạn diễn trong vở tuồng "Tiết Đinh San - Phàn Lê Huê". Ảnh: PV

Đặc biệt, Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Cư Trinh (thế kỷ XVIII) cũng là một người mê hát bội với những bản tuồng cổ nổi tiếng được ông biên soạn như Lục súc tranh công, Sãi vãi... Trong Quảng Ngãi tỉnh chí được đăng trên Nam Phong tạp chí, quyển 33, số 186, Juilet 1933 do Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đình Chi chủ trương đã ghi một bản tuồng cổ nổi tiếng “Lân Phượng kỳ duyên”, hồi thứ nhất “Lục Vô Song thừa đả Trương Báo/ Lý Kiều Phượng nhân thi ái Như Lân”, đã phần nào khẳng định hát bội xuất hiện và phổ biến trên vùng đất Quảng Ngãi từ nhiều thế kỷ trước.

Đến thế kỷ XX, nhất là giai đoạn 1930 - 1945, triều đình Huế lâm vào suy tàn, các đoàn hát bội do triều đình nuôi và chủ yếu phục vụ trong cung đình bị tan rã. Các ca công của tỉnh nào về tỉnh ấy, tự lập gánh hát. Sau giải phóng năm 1975, các đoàn tuồng từ ngoài Bắc về các tỉnh Nam Trung Bộ. Mỗi tỉnh một đoàn được gọi chung Đoàn Tuồng Liên Khu 5. Sau này, các đoàn tuồng không chuyên được thành lập để phục vụ nhân dân...

Lưu giữ và phát huy 

Nghệ sĩ Phạm Hoàng Việt (65 tuổi), con trai cố nghệ sĩ ưu tú, đệ nhất danh ca Hoàng Chinh, ở tỉnh Bình Định cho biết, hát bội là sự dung hợp của thơ, ca, nhạc, họa, múa, với đặc trưng nổi bật trong vở diễn là yếu tố hài, chất bi hùng. Sự đánh giá nghệ sĩ ngay trong cuộc diễn thông qua tiếng trống chầu. Bội ở đây mang ý nghĩa cường điệu, ước lệ trong cung cách hóa trang (đeo râu, vẽ mặt, phục trang), biểu diễn, không gian sân khấu nhằm truyền tải người xem phân biệt được buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, cảnh trông chồng, cảnh thiết triều...

Nét vẽ trên khuôn mặt cũng có những nguyên tắc riêng, như hai vết đỏ hai bên thể hiện người nóng tính, tướng phản nghịch có hai vệt đỏ phủ trên trán, quanh mắt có những nốt lấm chấm hồng đỏ và dọc sống mũi là kẻ nhát gan. Đạo cụ đặc trưng trong hát bội là chiếc roi mây. Chiếc roi được ước lệ tượng trưng cho roi ngựa, con ngựa thông qua khuôn mặt và lối diễn của người nghệ sĩ... 

Theo chân các ông bầu và những con hát là một đôi bội. Đôi bội gần giống đôi quang gánh được đan bằng mây, tre có chiều cao khoảng 50 - 70cm, miệng rộng khoảng 40 - 50 cm, dùng để đựng trang phục, nhạc cụ và đạo cụ diễn. Gần giống như bài chòi, khi đến một vùng đất cao, đoàn người trải chiếu ra ngồi hát, người dân gọi là gánh hát bội. Sau này, gánh hát từ dưới đất chuyển lên giàn (sân khấu), lúc này gọi là đoàn, hoặc phường hát bội.

Theo sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính, hát bội thường có giàn dựng ở một gốc cây to, đình làng. Phường hát bội thường có khoảng 11 - 12 người gồm các ca công (đào, kép, lão, nịnh, tướng); đội nhạc (trống chầu, trống chiến, trống cơm, trống bồng, trống lệnh, trống bản, kèn, đàn cò thanh la, mõ, chuông, xập xã...). Mỗi đêm hát, phường được khoảng mấy đồng bạc.

Nghệ nhân ưu tú Minh Lưỡng (65 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH Biểu diễn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng, hiện sống ở tỉnh Bình Định cho biết, gia đình tôi đến nay tròn 100 năm làm nghề hát bội. Cha tôi là cố nghệ sĩ Nguyễn Minh Châu (nghệ danh Hồng Lợi). Từ nhỏ tôi theo đoàn hát bội của cha đi khắp nơi biểu diễn. Thuở trước, người dân Quảng Ngãi rất thích xem hát bội. Hát bội thường tổ chức trong các ngày lễ tế miếu, đình hay lễ cầu mùa ở các làng chài ven biển... Phần hội luôn có hát bội, đua thuyền. Ngày trước, người dân ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) còn tổ chức nghi lễ nghinh thần xem hát bội vào ngày 16/7 âm lịch hằng năm tại miếu tổ nghề Muối, thuộc tổ dân phố Tân Diêm.

Ông Trần Ngọc Cảnh (60 tuổi), Phó ban bảo vệ dân phố Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh cho biết, tại Thanh Minh tự (chùa âm hồn), hằng năm, người dân thường tổ chức các lễ tảo mộ, lễ tiên thường vào ngày 14/3 âm lịch, lễ chánh tế vào ngày rằm tháng Ba âm lịch. Theo lệ ba năm hát lễ một lần. Đoàn hát bội được mời hát phục vụ trong ngày chánh tế với các nghi lễ tôn dương, lễ cầu an, rước sắc khắp ngõ nhỏ, đường làng. Sau đó, đoàn hát bội biểu diễn, phục vụ nhân dân trong ba đêm liền. Các bản tuồng cổ phục vụ nhân dân dựa trên sử Việt, truyện Nôm, điển tích thể hiện những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam như: Lưu Bình - Dương Lễ, Lục Vân Tiên tái hợp Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Phạm Công - Cúc Hoa, Trưng Vương, Nguyễn Trãi, Nghêu Sò - Ốc Hến...

MINH ANH - TẠ HÀ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 17:03, 05/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.