Những thanh niên năng động
Làm việc trong lĩnh vực cơ khí với mức lương ổn định ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng anh Lê Tấn Hoàng (35 tuổi), ở thôn Phước An, xã Bình Khương (Bình Sơn) lại chọn trở về quê để khởi nghiệp. Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi, năm 2019, anh Hoàng quyết định chọn mô hình nuôi ốc bươu đen để phát triển kinh tế. Sau đó, anh tiếp tục khởi nghiệp với sản phẩm ốc nhồi ống nứa để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Hoàng chia sẻ, sản phẩm ốc tươi sống nguyên con sẽ không bảo quản được lâu và khó vận chuyển. Do vậy, tôi đã nghiên cứu công thức và đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để cho ra sản phẩm chả ốc nhồi ống nứa, đóng trong những gói nhỏ theo dạng thực phẩm đông lạnh.
Anh Lê Tấn Hoàng, ở xã Bình Khương ( Bình Sơn), khởi nghiệp thành công với mô hình ốc nhồi tre nứa. Ảnh: KIM NGÂN |
Tuy mới đưa ra thị trường, nhưng với hương vị thơm ngon, lại được sản xuất theo quy trình khép kín, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhãn mác, nên sản phẩm chả ốc của anh Hoàng được nhiều quán ăn, nhà hàng tin dùng. Hiện xưởng sản xuất ốc nhồi của anh Hoàng có 4 nhân công, mỗi ngày sản xuất 30 - 50kg ốc nhồi để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Hoàng cũng đang liên kết với các trang trại nuôi ốc trong tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất ốc nhồi. Bên cạnh đó, anh tiếp tục nghiên cứu sản xuất sản phẩm ốc gác bếp nhằm đa dạng sản phẩm. “Ốc nhồi được thị trường ưa chuộng. Do đó, tôi đang xây dựng chả ốc nhồi thành sản phẩm OCOP, qua đó hoàn thiện chuỗi giá trị hàng hóa khép kín, bền vững cho sản phẩm khởi nghiệp của mình”, anh Hoàng cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), với sản phẩm trái cây sấy. Ảnh: KIM NGÂN |
Xuất phát từ ý tưởng muốn bảo quản và chế biến nguồn nông sản, trái cây sẵn có, giải quyết một phần lao động nhàn rỗi tại địa phương, chị Nguyễn Thị Thùy Ngân (31 tuổi), ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), chọn khởi nghiệp với sản phẩm trà trái cây, rau, củ, quả, thảo dược sấy. Đầu năm 2022, chị Ngân đầu tư máy móc với kinh phí hơn 30 triệu đồng và bắt đầu thử nghiệm với những sản phẩm đầu tiên. Nguyên liệu của sản phẩm bao gồm nhiều loại trái cây sạch được canh tác tại huyện Nghĩa Hành như thơm, thanh long, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, táo... kèm các loại thảo dược, rau, củ. Sản phẩm được xử lý qua các công đoạn sấy khô, không sử dụng chất bảo quản, giúp trái cây giữ được màu sắc và hương vị nguyên chất. Sản phẩm đã được đăng ký nhãn mác với tên gọi “Detox and Fruit Thùy Ngân”, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Chị Ngân cho biết, ngoài sản xuất sản phẩm trà trái cây, rau, củ quả, thảo dược sấy, hiện nay, tôi đang đầu tư thêm máy móc để sản xuất các loại bánh truyền thống, các loại trái cây sấy dẻo, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển kinh tế gia đình.
Để khởi nghiệp thành công
Anh Nguyễn Văn Nhật (34 tuổi), ở thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn) đã thành công khi kiên trì theo đuổi đam mê phát triển sản phẩm nông sản đặc trưng của quê hương. Anh Nhật đã liên kết với 100 hộ nông dân ở địa phương để canh tác gần 50ha tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vùng nguyên liệu chất lượng. Cùng với đó, anh đã thành lập Lý Sơn Farm, để phát triển du lịch cộng đồng, đưa du khách trải nghiệm nghề trồng hành, tỏi và tham quan nhà xưởng sản xuất của công ty. Anh Nhật đã liên kết với rất nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở nhiều tỉnh, thành phố để tiêu thụ sản phẩm. Sau hơn 3 năm khởi nghiệp, đến nay, anh Nhật đã có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh như cao tỏi đen, rượu tỏi đen, tỏi đen cô đơn và tỏi đen nhiều nhánh. “Để có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, cũng như vấn đề cạnh tranh, tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường. Do đó, tôi khuyên các bạn trẻ khi bắt đầu dấn thân vào con đường khởi nghiệp thì không nên vội vàng, có thể đi sau, đi chậm, nhưng không quên sáng tạo đa dạng các dòng sản phẩm, cũng như đổi mới hướng tiếp cận khách hàng. Điều đặc biệt, trong quá trình sản xuất, phải đặt tâm huyết, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, mới có thể gặt hái được quả ngọt”, anh Nhật chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Nhật, ở thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn) giới thiệu quy trình sản xuất tỏi đen với khách hàng. ẢNH: M.DUYÊN |
Nhờ đa dạng các dòng sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo, chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), tiếp cận được với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. ẢNH: M.DUYÊN |
Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, giảng viên nguồn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia, khởi nghiệp ĐMST là nền tảng để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của các bạn trẻ khởi nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Đây không còn là lựa chọn mang tính tham khảo, mà trở thành điều tất yếu trong quá trình khởi nghiệp.
Khởi nghiệp với niềm tự hào về quê hương Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, giảng viên nguồn Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia cho rằng, Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn về tài nguyên đất, sản vật đặc trưng cộng với kỹ năng nghề truyền thống từ bao đời nay. Do đó, các bạn trẻ theo đuổi hành trình khởi nghiệp ĐMST đừng bỏ gần mà bắt xa, hãy bắt đầu bằng niềm tự hào, tình yêu với quê hương, với chính sản vật đặc trưng của địa phương mình và không ngừng đổi mới, nâng tầm chúng. Điều quan trọng là các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp ở Quảng Ngãi hãy liên kết cùng nhau để đồng sáng tạo, hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương cũng như thích ứng với sự biến đổi của xu hướng toàn cầu. |
TRÍ PHONG - MỸ DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: