Các địa phương triển khai phương án ứng phó với mưa lớn

18:25, 15/10/2023
.
 
(Baoquangngai.vn)- Dự báo Quảng Ngãi có  mưa  lớn trên diện  rộng và kéo dài từ ngày 15 - 17/10, nên có nguy cơ gây ngập lụt và sạt lở. Chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các phương án ứng phó.

Tại xóm Bầu, xã Hành Đức (Nghĩa Hành), lo ngại mưa lớn gây ngập đường đi nên người dân đã chuẩn bị thuyền máy để phục vụ cho việc đi lại; đồng thời kê cao đồ đạc, gia cố chuồng trại, chuẩn bị thức ăn cho đàn vật nuôi… để đề phòng ngập lụt trong đêm. Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Sỹ Hải cho biết, địa phương đã triển khai đến người dân các biện pháp ứng phó với mưa lũ, đồng thời yêu cầu người dân chủ động nhu yếu phẩm thiết yếu để dùng trong trường hợp lũ lên trong đêm, nhất là tại các thôn thường xuyên bị ngập sâu, cô lập. Tuyên truyền người dân không được câu cá, bắt cá ở những khu vực nước ngập sâu, chảy xiết...

Khu vực miền núi đối diện nguy cơ sạt lở do mưa lớn kéo dài.

Trong ảnh: Sạt lở núi Vang Cà Vãi, thuộc thôn Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), đang ở mức cực kỳ nguy hiểm cần di dời người dân đến nơi ở an toàn.
Khu vực miền núi đối diện nguy cơ sạt lở do mưa lớn kéo dài. Trong ảnh: Sạt lở núi Vang Cà Vãi, thuộc thôn Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), đang ở mức "cực kỳ nguy hiểm" cần di dời người dân đến nơi ở an toàn.

Còn ở huyện Sơn Hà, tình trạng sạt lở núi Vang Cà Vãi, thuộc thôn Làng Dầu, thị trấn Di Lăng hiện đang ở mức “cực kỳ nguy hiểm”. Ông Đinh Ân, một trong 5 hộ dân đang sinh sống dưới chân núi Vang Cà Vãi cho biết, vách núi bị nứt, cộng với mưa lớn nên đất, đá liên tục đổ xuống, rất nguy hiểm. Khi có mưa lớn, gia đình tôi mang gửi tài sản đến nơi an toàn, buổi tối thì đến ở nhờ nhà người thân.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Sơn Hà, trên địa bàn huyện hiện có 28 vị trí có nguy cơ sạt lở núi, ven sông, suối. Trong đó, điểm sạt lở tại núi Vang Cà Vãi là nghiêm trọng nhất, vách núi hiện có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng và nhà cửa của 5 hộ dân (24 khẩu) đang sinh sống. “Chính quyền địa phương và các lực lượng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình trạng sạt lở núi, sẵn sàng triển khai công tác ứng phó và di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm theo các phương án, kịch bản đã được phê duyệt”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Trần Thanh Trung cho biết.

   UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, các địa phương có phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt hồ chứa nước đang thi công.
   UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư, các địa phương có phương án đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt hồ chứa nước đang thi công.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trên địa bàn 5 huyện miền núi hiện có gần 1.850 hộ/7.350 khẩu sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ suối và lũ ống, lũ quét. Trước tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ gây ngập lụt và sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường thông tin tình hình diễn biến của thời tiết để nhân dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo, ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện khẩn trương tổ chức kiểm tra và nắm chắc các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Đối với các ngầm, tràn, đặc biệt là cầu tràn Thạch Nham, cầu sông Rin, xi phông sông Vệ và xi phông Bình Minh - Bình Chương, yêu cầu UBND các huyện Sơn Hà, Nghĩa Hành và Bình Sơn bố trí lực lượng chốt chặn, tuyệt đối không cho người và phương tiện qua lại khi nước ngập sâu, chảy xiết. Tại khu vực sạt lở chân núi Vang Cà Vãi, UBND huyện Sơn Hà khẩn trương triển khai các biện pháp di dời sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:25, 15/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.