(Baoquangngai.vn)- UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025 để đánh giá kết quả thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021 - 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Cuộc họp được tổ chức vào sáng 10/9. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp. Dự họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố.
Thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã tác động tích cực đến phát triển ngành lâm nghiệp, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là khu vực miền núi.
Đến nay, tổng diện tích rừng phòng hộ trồng mới đạt khoảng 700ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,33% vào năm 2023. Tổng diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng (FSC) hơn 18,7 nghìn héc ta.
|
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung phát biểu tại cuộc họp. |
Trong giai đoạn 2021 - 2024, tổng nguồn kinh phí đã thực hiện cho công tác bảo vệ và phát triển rừng là 1.753 tỷ đồng. Lĩnh vực lâm nghiệp có 3 dự án được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, trong đó có 1 dự án chuyển tiếp và 2 dự án khởi công mới.
Thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh, Quỹ trồng cây xanh của tỉnh đã tiếp nhận số tiền hơn 776 triệu đồng, 127 nghìn cây giống. UBND tỉnh đã phân bổ 1,2 tỷ đồng từ tiền thu từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng để mua gần 17 nghìn cây giống cấp cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh duy trì ổn định 52%. Nâng cao năng suất rừng trồng, chất lượng rừng tự nhiên. Trồng rừng phòng hộ bình quân đạt 140ha/năm. Phục hồi rừng phòng hộ bình quân đạt 2.000 ha/năm.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu kết luận cuộc họp. |
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu các cơ quan, đơn vị và các địa phương bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Sử dụng tài nguyên rừng và quỹ đất được quy hoạch cho các chương trình, dự án có hiệu quả và bền vững.
Quan tâm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và các đối tượng lao động trên địa bàn có cuộc sống gắn với rừng, góp phần xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Thực hiện cắm mốc ranh giới các loại rừng để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Rà soát, đánh giá, đề nghị điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đã hết hiệu lực. Rà soát, thống kê từng loại cây trồng để quản lý, cấp mã số vùng trồng; kiểm tra, đánh giá hiệu quả của Dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (KfW6)…
Tin, ảnh: ÁI KIỀU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: