(Baoquangngai.vn)- Sáng 25/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh để nghe, cho ý kiến về Phương án Quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng tại Khu công nghiệp (KCN) Tịnh Phong, KCN Quảng Phú và Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất.
Dự họp có lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi; các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan.
Khu công nghiệp Quảng Phú và Tịnh Phong được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập vào năm 1997, 1999. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định điều chỉnh chủ đầu tư, giao về cho Công ty Phát triển hạ tầng các KCN Quảng Ngãi.
Đối với Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất, năm 2003, Ban Quản lý KCN Dung Quất đã quyết định thành lập Công ty Phát triển hạ tầng Dung Quất để vay vốn triển khai đầu tư dự án.
Đến năm 2009, UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển 2 công ty đang hoạt động theo mô hình Công ty sự nghiệp Nhà nước thành 2 Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đầu tư để kinh doanh hạ tầng KCN theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp. |
Đến năm 2012, UBND tỉnh quyết định sáp nhập cả 2 công ty này thành Công ty TNHH MTV Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC), là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu. Nguồn vốn Nhà nước giao cho QISC quản lý được hình thành từ tài sản là hạ tầng của các KCN: Quảng Phú, Tịnh Phong và Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất.
Tuy nhiên thời gian qua, việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng các KCN của QISC bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong công tác thu hút đầu tư, cho thuê đất, thuê hạ tầng, công tác bảo vệ môi trường…
Lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi trao đổi tại cuộc họp. |
Lãnh đạo QISC trao đổi tại cuộc họp. |
Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng của các KCN trong thời gian tới, tại cuộc họp, lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (Ban Quản lý) đề xuất 3 phương án. Phương án 1 là QISC tiếp tục quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng tại các KCN; Phương án 2 giao cho đơn vị trực thuộc Ban Quản lý quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN; Phương án 3 giao cho Ban Quản lý quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng dùng chung (đường giao thông, điện chiếu sáng, cây xanh, thoát nước mưa, thu gom, xử lý nước thải) tại các KCN.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích những ưu điểm, hạn chế và các giải pháp khắc phục hạn chế đối với 3 phương án do Ban Quản lý đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu kết luận cuộc họp. |
Qua nghe các phương án đề xuất và ý kiến của lãnh đạo Ban Quản lý, các sở, ngành, địa phương liên quan và QISC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đề nghị Ban Quản lý căn cứ các quy định của pháp luật liên quan; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, học tập các mô hình, phương án quản lý hiệu quả từ các địa phương khác. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng các KCN khả thi nhất trước ngày 30/6/2024.
Yêu cầu Ban Quản lý và QISC đánh giá lại công tác phối hợp của 2 đơn vị trong công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng tại các KCN trong thời gian qua để có những giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại...
Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền thống nhất việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng tại các KCN vẫn duy trì như trước đây. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị QISC phải chủ động xử lý những vấn đề bất cập, tồn tại theo yêu cầu của Ban Quản lý để đảm bảo phục vụ tốt cho các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, nhất là vấn đề về môi trường, phòng cháy, chữa cháy…
Khu công nghiệp Tịnh Phong có diện tích 142ha, đã cho thuê 99,5ha/100,82ha, có 57 dự án đã được cấp phép, 49 dự án đã đi vào hoạt động; ngành nghề hoạt động chủ yếu là may mặc, điện tử, phân bón, sản xuất bê tông, gạch,… Khu công nghiệp Quảng Phú có diện tích 92ha, đã cho thê 73,6/73,6ha, có 49 dự án đã được cấp phép và đi vào hoạt động; ngành nghề hoạt động chủ yếu là thủy sản, bia, bánh kẹo, nước khoáng,… Phân KCN Sài Gòn – Dung Quất có diện tích 118ha, đã cho thuê 98,9/99,9ha, có 30 dự án đã được cấp phép, trong đó có 27 dự án đã đi vào hoạt động; ngành nghề hoạt động chủ yếu là dăm gỗ, may mặc, cấu kiện thép. |
Tin, ảnh: N.ĐỨC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: