Phát triển sách giáo khoa thời công nghệ số

09:01, 21/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã tổ chức thành công tọa đàm trực tuyến “Sách giáo khoa (SGK) điện tử tương tác cao - Hướng đi cho tương lai”. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà giáo thảo luận về vấn đề phát triển SGK và SGK điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiển, dạy môn tiếng Anh, Trường THPT Tây Trà (Trà Bồng) là thành viên Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tham gia tọa đàm. Cô Hiển chia sẻ, SGK điện tử thường cùng nội dung giáo dục với phiên bản in, nhưng có thể bổ sung thêm các tính năng tương tác, âm thanh, video, các bài tập tương tác, và liên kết đến các nguồn thông tin khác. Nhờ các tính năng này, học liệu dạng SGK điện tử không chỉ giúp hỗ trợ việc tự học, mà còn giúp cải thiện sự tham gia và hứng thú của người học trong quá trình học.

Sách giáo khoa điện tử tạo điều kiện để học sinh (HS), sinh viên hoặc người học có thể tiếp cận thông qua các thiết bị công nghệ như máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động, và cả các thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng. Vậy nên, SGK điện tử giúp giảm bớt trọng lượng của ba lô HS, đồng thời giúp tiết kiệm giấy và bảo vệ môi trường. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chuyển dịch hướng đến môi trường học số hóa và trực tuyến trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Song, việc triển khai SGK điện tử vẫn còn những khó khăn nhất định. Đây có thể là một sự thay đổi lớn cho cả HS và giáo viên (GV), đặc biệt là những người chưa quen với việc sử dụng công nghệ trong học tập. Sách giáo khoa điện tử yêu cầu HS và GV phải có kết nối Internet ổn định để truy cập học liệu đa phương tiện và học liệu tương tác thông minh. Điều này có thể gây ra khó khăn cho những người sống ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc tiếp cận Internet không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sách giáo khoa điện tử cung cấp cho HS, sinh viên quyền truy cập vào một lượng lớn thông tin và nguồn lực học tập. Song, điều này cũng đồng nghĩa GV sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát và hướng dẫn quá trình học tập của HS. Hơn nữa, việc quản lý thời gian học tập và sử dụng công nghệ của HS cũng trở nên khó khăn hơn...

Để phát triển học liệu SGK điện tử tại Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng dựa trên khung kiến thức - kỹ năng theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chúng ta có thể học hỏi từ mô hình của Singapore. Nước này đã xây dựng hệ thống học trực tuyến toàn quốc, gọi là SLS (Singapore Student Learning Space - không gian học tập của sinh viên Singapore). Hệ thống trên cung cấp không gian học tập phong phú, cho phép HS học theo tốc độ của mình, tăng khả năng tranh luận và giúp GV trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống như một gia sư sẽ giúp HS giải đáp thắc mắc về kiến thức một cách dễ dàng và hiệu quả. Vì vậy, SGK điện tử sẽ là một xu hướng trong tương lai.

Trên thực tế, SGK điện tử không còn mới mẻ ở các nước phát triển, nhưng quá trình áp dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Như Thụy Điển đã quay lại với hình thức SGK in. Điều này khẳng định, không có loại SGK nào có thể thay thế hoàn toàn loại kia.

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang phát triển song hành cả SGK in lẫn phiên bản điện tử. Với nhiều tính năng ưu việt như khả năng lưu trữ nhiều loại sách, đa luồng, cập nhật dữ liệu nhanh chóng và không giới hạn chia sẻ trong cộng đồng, SGK điện tử sẽ giúp phụ huynh, HS, GV có thêm sự lựa chọn, nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu dạy và học.

TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:01, 21/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.