Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

17:22, 01/11/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 1/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; giữa nhiệm kỳ năm 2021 - 2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
 
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: C.HIỀN)
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại phiên họp. (ẢNH: C.HIỀN)

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương liên kết, hợp tác phát triển. Tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển. Bên cạnh việc nâng cao năng lực phòng thủ thì cần nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho các huyện đảo. Trong đó cần có cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các huyện đảo.

Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT vẫn còn hạn chế; mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó cần xem xét tăng chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục, nhất là ưu tiên cho các địa phương.

Cần có cơ chế cho phép HĐND tỉnh được quyết định sử dụng nguồn tài chính thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nhằm tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, nhất là đối với các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương.

Hiện nay công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT gặp khó khăn do vướng mắc trong việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Việc không được thanh toán đầy đủ theo số thực tế, dẫn đến tình hình hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Các năm 2019, 2020, 2022 do chưa có văn bản chỉ đạo giải quyết nên tồn đọng tiền chi trả các khoản thanh toán là rất lớn. Riêng ở Quảng Ngãi tồn đọng gần 89 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ cần xem xét cho phép thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo mức thực thanh - thực chi, nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, thu hút người dân tham gia BHYT hướng đến đạt mục tiêu BHYT toàn dân.

B.SƠN - C.HIỀN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 17:22, 01/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.