(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận ở Tổ 9.
Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre.
Quang cảnh phiên họp tại Tổ 9, chiều 27/5. Ảnh: QH |
Qua thảo luận, các đại biểu nhấn trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND). Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, cơ bản bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tính tương quan về độ tuổi lao động theo quy định trong Bộ luật Lao động. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất, quy định về chế độ, chính sách có liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm tính thống nhất.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, về cơ bản hồ sơ Luật và điều kiện đảm bảo tương đối rõ, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tính cấp thiết của Luật này cho thuyết phục.
Về quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng (Khoản 1, Điều 1), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định. Quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ băn khoăn quy định như vậy có mở quá không, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ căn cứ vào pháp luật nào quy định “trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định”.
Liên quan quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ thành tích đặc biệt xuất sắc này tương đương mức nào của các loại huân chương, phân biệt như thế nào. Đề nghị các ĐBQH hiến kế để thiết kế điều này cho cụ thể hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH |
Băn khoăn quy định về cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, để đảm bảo tính tương thích, đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá đối với Trung đoàn trưởng. Đồng thời bày tỏ băn khoăn có nhất thiết quy định cấp bậc Đại tá đối với Trung đoàn trưởng hay không?
Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tăng chung 2 tuổi đối với từng nhóm cấp bậc, quy định như vậy tương thích với Luật. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, có ý kiến đề xuất việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên 3 tuổi, nữ Đại tá lên 5 tuổi, đề nghị cần đánh giá tác động về bình đẳng giới và về quy hoạch cán bộ có hợp lý hay không.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc được nêu trong tờ trình của dự án Luật, báo cáo tổng kết thi hành Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, để tăng tính thuyết phục về sự cần thiết xây dựng Luật, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn sự thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ của Luật hiện hành và các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật.
Về đề xuất chuyển thẩm quyền chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế liên quan đễn nhận trở lại công dân từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an (sửa đổi, bổ sung Khoản 10, Điều 45 và Khoản 7, Điều 46 về trách nhiệm Bộ Công an, Bộ Ngoại giao (Khoản 12 và Khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình thấu đáo ý kiến của Bộ Ngoại giao.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý vào các dự thảo Luật. Ảnh: QH |
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật “xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vấn đề cấn điều chỉnh dể góp phần thực hiện tốt hơn đường lối đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ anh ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội”, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công, đảm bảo hoạt động đối ngoại được thông suốt, không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Bộ Ngoại giao được thay mặt cho Nhà nước Việt Nam ký kết.
Đại biểu Trần Thị Hồng An cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát đề đảm bảo tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với các luật hiện hành, tính thống nhất của các dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực có liên quan đến nội dung dự thảo; tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
QH - Đ.HIỀN - H.ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: