Đề nghị giải quyết các nội dung cử tri Quảng Ngãi kiến nghị nhiều lần

22:21, 27/05/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại hội trường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV rất quan tâm về công tác dân nguyện, luôn theo dõi và mở rộng giám sát việc trả lời ý kiến cử tri, giải quyết kiến nghị của cử tri trên các mặt công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, duy trì thường xuyên việc xem xét tâm tư, nguyện vọng của cử tri qua báo cáo công tác dân nguyện định kỳ hằng tháng; qua nhận xét, đánh giá kết quả trả lời, giải quyết ý kiến cử tri gửi đễn các kỳ họp Quốc hội.

Đặc biệt, đây là lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát và báo cáo riêng về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, được nhân dân, cử tri đồng tình, ủng hộ.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu thảo luận.

Tuy nhiên, việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, một số trả lời kiến nghị cử tri chậm so với thời gian quy định; nội dung trả lời thiếu cụ thể; chủ yếu liệt kê quy định pháp luật nhưng không đề ra biện pháp, định hướng giải quyết.

Có một số vấn đề mà cử tri đã hiểu về quy định của pháp luật mà thực tiễn thực hiện còn vướng mắc, cần cấp trên xem xét có giải pháp, hướng dẫn địa phương thực hiện thống nhất, nhưng nội dung trả lời còn chung chung và đề nghị cử tri thực hiện đúng quy định của pháp luật hoặc ghi nhận, sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng chưa rõ thời hạn giải quyết.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng nguyện vọng cử tri, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, chú trọng thực chất, giải quyết triệt để vấn đề cụ thể cử tri kiến nghị, kết quả giải quyết phải được thể hiện cụ thể trong thực tiễn, có sự chuyển biến trong thời hạn nhất định để cử tri theo dõi, giám sát việc thực hiện; tránh việc kiến nghị nhiều lần.

Ban Dân nguyện tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các phiên giải trình về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri để ĐBQH, cử tri theo dõi, giám sát. Ban Dân nguyện làm đầu mối rà soát, đôn đốc trả lời ý kiến cử tri đảm bảo thời gian theo quy định. Giám sát chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó, các vấn đề cụ thể thì phải sớm giải quyết triệt để, cơ quan có thẩm quyền phải ban hành văn bản chỉ đạo, bố trí kinh phí, bảo đảm các điều kiện liên quan để thực hiện có kết quả thực tế.

Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các nội dung cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị nhiều lần. Cụ thể như, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có ý kiến chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) và Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sớm đầu tư thực hiện hoàn thành nút giao giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tuyến đường Trì Bình - Dung Quất, tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi để kết nối lưu thông hàng hóa, phát huy hiệu quả đầu tư Khu Kinh tế Dung Quất và khai thác hiệu quả tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, phát triển kinh tế biển. Nâng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp thực tế, giúp họ yên tâm công tác.

Về cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định 81 năm 2021 có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 thay Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ, theo đó khung học phí bắt đầu thực hiện từ năm học 2022 - 2023 là quá cao so với Nghị định 86. Năm học 2022 - 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 giữ ổn định mức thu học phí như năm học 2021 - 2022 (chưa thực hiện Nghị định 81).

Để chuẩn bị kịp thời cho năm học 2023 - 2024, đề nghị Chính phủ sớm hướng dẫn cơ chế thu, quản lý học phí để địa phương có cơ sở quyết định mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Đồng thời, quy định khung học phí hợp lý trong bối cảnh đời sống nhân dân rất khó khăn sau đại dịch Covid-19, nguy cơ nhiều gia đình không đủ khả năng cho con tiếp tục theo học và mục tiêu phổ cập giáo dục trong giai đoạn đến khó có thể đạt được.

Đ.HIỀN - H.ANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.