Thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

12:29, 27/05/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

 
Phát biểu tại phiên họp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương thống nhất với dự kiến các nội dung giám sát. 
 
Để hoạt động giám sát đạt chất lượng cao, Huỳnh Thị Ánh Sương kiến nghị một số nội dung. Đó là, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội xem xét giãn thời gian yêu cầu các Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát và báo cáo kết quả giám sát đối với các chuyên đề trong năm, để tạo điều kiện cho địa phương, đối tượng giám sát, Đoàn ĐBQH trong báo cáo tình hình, thực hiện giám sát, đi thực tế và báo cáo kết quả giám sát; nhằm phù hợp với điều kiện, nguồn lực ĐBQH trong Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc của văn phòng tại các tỉnh, thành phố.
 
Cụ thể, 2 chuyên đề xem xét vào kỳ họp giữa năm nên đề nghị báo cáo trong tháng 2 và tháng 4; 2 chuyên đề xem xét vào kỳ họp cuối năm nên đề nghị báo cáo trong tháng 6 và tháng 8 hằng năm để bảo đảm thời gian thực hiện. Đồng thời, xem xét lại việc yêu cầu Đoàn ĐBQH giám sát, báo cáo kết quả giám sát tất cả nội dung chuyên đề của Quốc hội. 
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đồng tình với chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại Công văn 457/ĐGS ngày 25/5/2023 về việc chỉ đạo Đoàn giám sát 3 chương tình mục tiêu quốc gia: Không yêu cầu các Đoàn ĐBQH giám sát tại địa phương và báo cáo kết quả giám sát mà chỉ trong phạm vi, quyền hạn, thời gian qua có thực hiện chức năng giám sát theo yêu cầu tại 3 Nghị quyết của Quốc hội đối với 3 chương tình mục tiêu quốc gia.
 
Xem xét giãn khoảng cách giữa thời gian đề nghị UBND tỉnh báo cáo tình hình với thời gian đề nghị Đoàn ĐBQH giám sát và báo cáo kết quả giám sát ít nhất từ 1 - 2 tháng trở lên để Đoàn ĐBQH nghiên cứu báo cáo, xác định đối tượng, sắp xếp giám sát thực tế và hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát. Hiện tại, khoảng cách thời gian này do các Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu chỉ cách nhau khoảng 15 ngày nên Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phối khó khăn trong bố trí thời gian đi giám sát thực tế và báo cáo kết quả giám sát. 
 

Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương tham gia thảo luận.

 
 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương thống nhất về xem xét lại việc yêu cầu Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố giám sát các chuyên đề đã yêu cầu Đoàn ĐBQH giám sát tại địa phương để tránh trùng lắp, tạo điều kiện cho Thường trực HĐND tổ chức giám sát các chuyên đề phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương; hoàn thiện cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước ở địa phương. 
 
Về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chất vấn, tăng cường tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm, bàn giải pháp khắc phục trong chất vấn và trả lời chất vấn. Kết luận tổng thể phiên chất vấn tại kỳ họp cần tham vấn ý kiến của ĐBQH về đánh giá kết quả trả lời chất vấn của người đứng đầu Chính phủ, bộ, ngành.Đồng thời, tăng cường hoạt động giải trình tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. 
 
Tăng cường hoạt động giải trình về những vấn đề nổi cộm, bức xúc, quy định cụ thể, thống nhất về công tác phối hợp, phân công, quy trình, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình, gắn kết quả giải trình với hoạt động chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.   
 
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia phiên họp.

 

 
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, theo Khoản 1, Điều 52 Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 quy định: “Đoàn giám sát do Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng Đoàn ĐBQH làm Trưởng đoàn và có ít nhất 3 ĐBQH là thành viên Đoàn ĐBQH tham gia Đoàn giám sát”.
 
Quy định này hiện gây nhiều khó khăn cho việc thành lập các Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH để đảm bảo điều kiện quy định (vì Đoàn giám sát chủ yếu là các ĐBQH công tác tại địa phương, đặc biệt đối với các Đoàn có ít ĐBQH ở địa phương). Đề nghị Ủy ban Thường Quốc hội xem xét lại quy định này để bảo đảm thực hiện đúng, phù hợp với điều kiện ở địa phương.

Đ.HIỀN - H.ANH

 

 


Ý kiến bạn đọc


.