Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tình hình kinh tế - xã hội

18:46, 25/05/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022...

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại tổ 9. Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bến Tre.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy tham gia thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Đ.HIỀN
Quang cảnh phiên họp tổ 9, sáng 25/5. Ảnh: Đ.HIỀN

 
ĐỀ XUẤT TĂNG MỨC HỖ TRỢ CÓ MỤC TIÊU HẰNG NĂM CHO KKT DUNG QUẤT 

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 là để sắp xếp, phân bổ không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, cũng như tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, cả nước mới có 18/111 quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được thẩm định phê duyệt, trong đó có quy hoạch tỉnh chậm được phê duyệt. Điều này đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đất nước. Đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị khi xem xét phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh cần phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm thống nhất, đồng bộ và đảm bảo tính liên kết vùng. 

Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Đ.HIỀN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy tham gia thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Đ.HIỀN

Về gói hỗ trợ lại lãi suất 2%, đại biểu Đặng Ngọc Huy nhấn mạnh, đây là chủ trương rất tốt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Nhưng thực tế giải ngân đến thời điểm này đạt rất thấp (khoảng 327 tỷ đồng, đạt 0,82%). 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc Nghị định số 31/2022/NĐ-CP quy định đối tượng được hỗ trợ chưa bao phủ hết các đối tượng có nhu cầu cần hỗ trợ, như hộ sản xuất nhưng không đăng ký kinh doanh thì không được hỗ trợ; hoặc các doanh nghiệp đăng ký đa ngành nghề, thì không thể bóc tách lĩnh vực nào được hỗ trợ, lĩnh vực nào không; khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi, nhưng từ lúc Nghị định số 31 được ban hành, Ngân hàng Nhà nước cũng không hỗ trợ phương án khả thi nào. Hơn nữa, các ngân hàng có tâm lý e ngại khi giải ngân gói hỗ trợ này. Điều này cho thấy, chính sách ban hành rất tốt, nhưng làm sao áp dụng khả thi trong thực tế là vấn đề cần được xem xét thấu đáo.

Bên cạnh đó, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu hằng năm cho KKT Dung Quất (Quảng Ngãi), vì kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, giai đoạn 2009 - 2022, đã nộp cho ngân sách trung ương khoảng 115 nghìn tỷ đồng và thuế xuất nhập khẩu từ KKT Dung Quất khoảng 56 nghìn tỷ đồng. 

Tuy nhiên, giai đoạn này, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất là 1.583 tỷ đồng (bằng khoảng 0,9% nguồn thu). 

Đại biểu Đặng Ngọc Huy đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu hằng năm cho KKT Dung Quất tương ứng mức 10 - 15% số thu trên địa bàn nộp về ngân sách trung ương để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng KKT Dung Quất. Từ đó, nâng cấp hệ thống hạ tầng, thu hút đầu tư, thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo đảm an toàn giao thông.

Ngoài ra, đại biểu Đặng Ngọc Huy cho rằng, hiện nay, tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gặp khó khăn, dừng hoạt động, phải đóng cửa sau khi Nghị định 136 của Chính phủ, Thông tư 06 ngày 30/11/2022 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy, chữa cháy. 

Do các quy định về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy của Bộ Xây dựng còn ở mức cao hơn các nước trên thế giới nên hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ không đáp ứng đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Vì vậy, nên nghiên cứu lại quy định để đảm báo tính khả thi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.

CHÍNH PHỦ CẦN CÓ GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN HƠN ĐỂ PHỤC HỒI KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian qua, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn duy trì được ổn định, lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch. Tốc độ tăng trưởng và nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch (với 13/15 chỉ tiêu). Đây là kết quả của những quyết sách đúng đắn, kịp thời và sự tập trung chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra 12 nhóm vấn đề và đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn. 

Từ đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, dự báo tình hình và xây dựng hệ thống các giải pháp phải toàn diện; đi sâu phân tích những hạn chế. 

Việc xây dựng giải pháp vừa phải có các nhóm giải pháp tình huống linh hoạt, chủ động ứng phó nhanh, hiệu quả với những diễn biến bất thường, phức tạp; vừa phải có nhóm giải pháp dài hạn, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nội tại của nền kinh tế và bám sát chiến lược phát triển kinh tế trong dài hạn. Bên cạnh việc đánh giá kinh tế - xã hội hằng năm, cần làm rõ thêm và bổ sung nội dung liên quan đến khả năng thực hiện kế hoạch 5 năm và dài hơn để phân tích, đánh giá tình và đưa ra giải pháp chặt chẽ, bền vững và toàn diện hơn. 

Quang cảnh phiên họp tổ 9, sáng 25/5. Ảnh: Đ.HIỀN
Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Đ.HIỀN

Về lao động, việc làm và đời sống của người lao động, theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Chính phủ cần phải có chính sách đủ mạnh, kịp thời hỗ trợ trực tiếp đến doanh nghiệp để phục hồi sản xuất như giải pháp tín dụng, tài khóa và thị trường...). Hỗ trợ người lao động bị mất việc, hỗ trợ tạo việc làm, đặc biệt là sớm triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về lâu dài, cần tiếp tục có giải pháp để khắc phục, cải thiện và nâng cao chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động (vốn đã tồn tại nhiều năm). 

Về triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021 - 2025), đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực hiện bảo đảm bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn ngân sách để bảo đảm đầu tư có trọng điểm, phát huy hiệu quả công trình, dự án. Chỉ đạo các bộ, ngành thống nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn để các địa phương tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

NHIỀU TRỤ SỞ CƠ QUAN BỊ BỎ HOANG, GÂY LÃNG PHÍ

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, qua thực tế giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh tại địa phương về công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận thấy, vẫn còn một số bộ, ngành chưa thật sự tích cực trong chỉ đạo cơ quan trực thuộc đóng trên địa bàn tỉnh kịp thời xây dựng các phương án sắp xếp. Nhiều trụ sở cơ quan bị bỏ hoang, hư hỏng nặng, sử dụng một phần rất nhỏ về công năng; lại phải bố trí kinh phí bảo vệ... Điều này đã gây nhiều lãng phí về tài sản công, hạn chế hiệu quả sử dụng đất. 

Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp xử lý nhà, đất, tài sản ở các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định.  

Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy làm Trưởng đoàn đi khảo sát thực tế một số trụ sở cơ quan, đơn vị bị bỏ trống sau sát nhập tại huyện Trà Bồng. Ảnh: T.NHÀN
Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy làm Trưởng đoàn đi khảo sát thực tế một số trụ sở cơ quan, đơn vị bị bỏ trống sau sát nhập tại huyện Trà Bồng. Ảnh: T.NHÀN

Các bộ, ngành và các cơ quan khác ở trung ương có cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương, căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức, nhu cầu sử dụng công sở, khẩn trương rà soát, thực hiện phương án xử lý các trụ sở, nhà đất công thuộc thẩm quyền quản lý tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và khi được bố trí xây dựng trụ sở mới. Sớm hoàn thành thủ tục chuyển giao các trụ sở này cho UBND cấp tỉnh, nơi có trụ sở, quản lý để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương. 

Tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công để từng bước cập nhật, quản lý thông tin của tất cả các tài sản công được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... 

Đ.HIỀN - H.ANH

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.