(Báo Quảng Ngãi)- Khi gió bắt đầu trở mình gọi tháng Chạp về, block lịch cạn dần là lúc mẹ lo những chuyện mua sắm Tết.
Bữa chị hai gọi điện thoại than Tết này thưởng giảm bởi công ty kinh doanh không ổn lắm. Mọi năm thưởng đủ tháng lương, rồi thêm phần quà Tết, nhưng năm nay chỉ còn phân nửa tháng lương và chẳng có quà Tết. Mẹ nghe xong thì thở dài thườn thượt. Nỗi lo của mẹ bắt đầu từ phép tính lương vậy thì sao mua sắm đồ Tết, rồi thức ăn, bao thứ tiền ngày Tết không mang tên nhưng quay qua quay lại đều phải chi. Mẹ nói thủ thỉ trong bữa cơm chiều với tôi rồi nhắc chuyện năm nay hàng hóa công ty ông anh ít. Ông anh chiều chiều về sớm hay tạt ngang nhà chạy vào uống miếng nước, ăn miếng bánh rồi mới chịu đi đón con.
Tết quê. Ảnh: PV |
Mới tuần rồi tôi thấy mẹ bắt đầu lấy giấy ra ghi lại những thứ cần mua để chuẩn bị Tết. Nhìn tờ giấy lịch cũ và nét bút xanh xiêu vẹo với những món hàng số lượng nhiều, tôi thoáng giật mình hỏi mẹ sao tự dưng mua chi nhiều vậy. Nhà giờ có hai ông bà già cùng tôi. Mua nhiều rồi ăn chẳng hết lại phí. Khách khứa, Tết nhứt đến cũng chẳng thể ăn hết nổi số lượng mà má dự tính. Mấy ngày Tết nhà nào cũng có đồ ăn, ghé nhà này gắp vài đũa chúc nhau câu mừng tuổi, sang nhà kia ăn lấy thảo để vui đều. Cứ vậy đi chúc Tết một vòng có khi về đến nhà đã chẳng còn ăn nổi thứ gì nữa. Mẹ nhìn tôi một đỗi rồi cười bâng lâng. Mua nhiều chút có gì cho gia đình anh chị mày. Câu trả lời của mẹ nhỏ nhưng nỗi lo thì quá chừng to.
Mỗi bận tết nhứt là chị dâu tôi lại cực. Vừa lo cho mẹ ruột neo đơn vừa chạy lo cho ba mẹ chồng có cái Tết ấm áp. Chị bảo người già coi vậy chứ cái Tết quan trọng lắm. Hồi đó chị còn nhỏ chưa hiểu nhiều, chỉ là ham Tết. Bây giờ chồng con rồi lại bắt đầu hiểu. Hiểu cái Tết nó phải chuẩn bị từ cả tháng trời chỉ cho mấy ngày đầu năm thật ấm áp, sung túc và sum vầy. Có con có cái mới hiểu thấu lòng cha mẹ, mới thấy cái lo của ngày xưa giờ cha mẹ chẳng cần ai nhắc mình tự ý thức mà lo. Bởi thời gian luân chuyển bốn mùa tuần tự xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, mà hễ mỗi một mùa xuân đi qua là mỗi một mùa mình biết cha mẹ đâu còn bao nhiêu năm nữa. Vậy nên, cái nỗi lo Tết nó cực, nó bộn bề, nó hao tốn nhưng tin chắc nó luôn là nỗi lo thiêng liêng nhất đời người.
Người dân mua sắm Tết tại siêu thị Go! Quảng Ngãi. Ảnh: X.Hiếu |
Câu chuyện sắm Tết cũng chẳng là của riêng ai, nên mấy ngày này nơi văn phòng tôi làm việc cũng rộn ràng chuyện lo Tết cho gia đình. Mấy cô bạn đồng nghiệp ngồi tính toán đường về quê sao cho tiện ngày giờ, sao cho tiết kiệm và nhẩm xem đem những món gì về cho cha mẹ vui lòng. Những đứa con bôn ba xa xứ tận miền Bắc, miền Trung vào thành phố nắng ấm phương Nam này lập nghiệp, định thân rồi gá luôn phần đời mình nơi đây như một lẽ thường tình của câu chuyện sáo sang sông thì sáo xổ lồng. Nhưng, nếu có một mùa nào đó sáo quay về đó là mùa xuân; một mùa nào đó sáo biết lo nỗi lo chung thì đó là mùa Tết. Chính cái mong muốn đoàn viên bên mái ấm gia đình luôn là nỗi lo thương quý rất nhiều. Một năm mấy ngày để quây quần bên gia đình và thấy yêu thương đi qua thoăn thoắt theo năm ba ngày Tết. Nỗi lo chuyện sum vầy mỗi bận tháng Chạp cứ theo giá xe, giá tàu, hay giá vé máy bay. Nhưng dù cao mấy, dù khó mấy, họ vẫn về. Gia đình luôn là nơi phải về. Cái nỗi lo ấy khiến tháng Chạp trôi qua bằng những niềm thương rưng rức.
Tôi hay nói với mẹ đừng lo chi cho xa xôi, tết nhứt chỉ là quãng thời gian sum vầy và phải vui vẻ, nhẹ nhàng chứ đeo mang mấy chuyện mua sắm lại khiến mình chẳng còn vui Tết. Nhưng, khi đã long đong đời mình trên chuyến hành trình mưu sinh tôi mới hiểu, cái lo sắm Tết chính là cái lo háo hức và đậm chất Tết nhất trong lòng người Việt mình. Sự bàn tán, sự cân đo, sự chăm chút cho từng câu chuyện ăn Tết mới thấy cái Tết nó dịch chuyển từng thời khắc trong lòng dạ mình. Sự bồn chồn lo lắng cho gia đình mấy ngày Tết khiến tôi ngộ ra nỗi lo Tết kì thực luôn là nỗi lo đáng để mình trân quý mỗi năm. Bởi còn có nỗi lo tháng Chạp là đời mình còn có Tết.
TỔNG PHƯỚC BẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: