Tăng huyết áp là một vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Người bệnh tăng huyết áp nên ưu tiên những thực phẩm này để kiểm soát mức huyết áp tối ưu.
1. Thay đổi lối sống để giảm huyết áp, ngăn ngừa đột quỵ
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên toàn thế giới. Theo báo cáo, tỷ lệ mắc đột quỵ ngày càng gia tăng ở người trẻ và trung niên trên toàn cầu. Trong đó, tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ.
Lối sống lành mạnh giúp kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp. |
Theo BSCKI. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng, ở nước ta hiện nay, trung bình cứ 4 người thì có 1 người bị tăng huyết áp và đây là nguyên nhân gây tử vong sớm trên toàn cầu. Các biến chứng do tăng huyết áp gây ra đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Huyết áp có mối liên quan chặt chẽ đến lối sống của chúng ta. Việc thay đổi lối sống đã được chứng minh có thể làm giảm mức huyết áp cao và giảm nguy cơ đột quỵ. Đây là những điều bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện để kiểm soát tăng huyết áp, ngăn ngừa đột quỵ.
Chế độ ăn uống cân bằng
Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và giúp kiểm soát huyết áp. Nên giảm lượng muối dung nạp, ăn ít thực phẩm chế biến sẵn. Chọn chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, thịt nạc, nhiều chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt...
Vận động nhiều hơn
Tập thể dục thường xuyên không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể và thể chất mà còn giúp kiểm soát huyết áp cao, giữ cho trái tim khỏe mạnh. Nên hoạt động tích cực ít nhất 30 phút/mỗi ngày, ít nhất 05 ngày trong tuần. Hãy bắt đầu bằng cách đi bộ mỗi ngày và duy trì lâu dài nếu bạn thấy phù hợp.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá dẫn đến một số tình trạng sức khỏe mạn tính, trong đó có tăng huyết áp. Bỏ hút thuốc là một việc quan trọng để thiết lập lối sống lành mạnh, không những tốt cho bệnh tăng huyết áp, ngừa đột quỵ mà còn tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp kéo dài tuổi thọ.
Giảm cân
Kiểm soát cân nặng, duy trì một trọng lượng hợp lý cho cơ thể sẽ làm giảm mức độ căng thẳng cho tim và giúp điều chỉnh huyết áp.
Kiểm soát căng thẳng
Nếu căng thẳng diễn ra thường xuyên sẽ khiến tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài, tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ. Do vậy, kiểm soát căng thẳng là giải pháp rất quan trọng để ngăn ngừa tăng huyết áp tiến triển.
BSCKI. Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Người bệnh tăng huyết áp cần nghiêm túc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đa phần bệnh tăng huyết áp là vô căn (chưa rõ nguyên nhân) vì vậy bệnh nhân cần phải giải quyết các yếu tố nguy cơ như giảm cân, chế độ ăn uống hợp lý. Khuyến khích ăn đồ ăn nhiều chất xơ, thực phẩm chứa nhiều acid béo omega-3. Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó cần tăng cường vận động, bỏ các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá...
Đây là một số lựa chọn thực phẩm hàng đầu đã được chứng minh là làm giảm huyết áp, tăng miễn dịch, giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
2.1 Quả mọng giảm nguy cơ tăng huyết áp
Các loại quả mọng khác nhau như dâu tây, quả việt quất, quả mâm xôi,… có nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm tổn thương tế bào và giảm nguy cơ tăng huyết áp. Chúng cũng có nhiều chất xơ hòa tan, giúp ngăn ngừa cholesterol, tốt cho sức khỏe tim mạch, ngừa đột quỵ hiệu quả.
Quả mọng là một lựa chọn lý tưởng cho những người tăng huyết áp. |
* Giá trị dinh dưỡng trên mỗi khẩu phần
Một nửa cốc quả việt quất chứa:
- Lượng calo: 42
- Chất đạm: 0,5g
- Carbohydrate: 11g
- Chất xơ: 2g
- Đường: 7g
- Vitamin C: 7mg
2.2 Chuối giàu kali giúp kiểm soát huyết áp
Chuối là loại thực phẩm bổ dưỡng, hỗ trợ hạ huyết áp hiệu quả. Chuối rất giàu protein. Một quả chuối chứa 450mg protein. Các chuyên gia khuyến cáo, những người bị tăng huyết áp nên tập trung vào chế độ ăn nhiều trái cây, rau xanh, protein nạc, sữa ít béo.
Trung bình một quả chuối chứa đến 400-450mg kali và chỉ có 1mg natri. Bên cạnh đó chuối lại chứa nhiều magie nên rất thích hợp để bệnh nhân tăng huyết áp sử dụng hàng ngày. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), kali làm giảm tác dụng của natri và làm giảm căng thẳng trên thành mạch máu.
* Giá trị dinh dưỡng trên mỗi khẩu phần
Một khẩu phần ăn, hoặc một quả chuối chín cỡ vừa cung cấp khoảng
- Lượng calo: 110
- Chất đạm: 1g
- Carbohydrate: 28g
- Chất xơ: 3g
- Đường: 15g
- Kali: 450mg
2.3 Tỏi hạ huyết áp nhờ allicin
Tỏi chứa allicin, một hợp chất hoạt động có khả năng hạ huyết áp một cách tự nhiên. Tỏi có tác dụng tuyệt vời trong quá trình hạ áp lực máu, đặc biệt là ở những người bị cao huyết áp tâm thu. Theo một nghiên cứu năm 2016, những người sử dụng tỏi thường xuyên có khả năng giảm đến 38% tình trạng huyết áp cao.
Tỏi được sử dụng trong rất nhiều món ăn khác nhau trên khắp thế giới và có khả năng làm giảm huyết áp. |
* Giá trị dinh dưỡng trên mỗi khẩu phần:
Tỏi sống 1 củ
- Lượng calo: 0,04
- Chất đạm: 0,57g
- Carbohydrate: 2,98g
- Chất xơ: 0,19g
- Đường: 0,09g
2.4 Cá béo giàu omega-3 tốt cho tim mạch
Tiêu thụ hải sản có nhiều lợi ích khác nhau, một trong số đó là nó chứa acid béo omega-3. Ăn các loại cá như cá hồi và cá ngừ đã được chứng minh là làm giảm mức cholesterol trong máu và cải thiện chức năng tim tổng thể. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn cá vì nó có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim và giảm nguy cơ ngừng tim, đột quỵ.
* Giá trị dinh dưỡng trên mỗi khẩu phần
Cá hồi 100g
- Calo: 175
- Chất béo: 10g
- Acid béo omega-3: 1,7g
Cá ngừ 100g
- Calo: 62g
- Chất béo: 0,54g
- Acid béo omega-3: 0,8g
Bổ sung những món này trong bữa ăn hàng ngày có thể giúp bạn kiểm soát tăng huyết áp bằng chế độ ăn uống. Chú ý giảm lượng muối và dầu ăn vào, vì có thể dẫn đến các vấn đề về huyết áp. Bạn cũng nên thay đổi lối sống, thực hành quản lý căng thẳng và tập thể dục thường xuyên. Để được tư vấn về chế độ ăn uống cá nhân, nên tìm đến các chuyên gia y tế và chăm sóc sức khỏe.
Theo SKĐS