Cà phê ảnh hưởng thế nào đến huyết áp của bạn?

08:21, 11/06/2024
.

Uống cà phê có thể khiến tim đập nhanh và huyết áp tăng lên. Vậy người bệnh tăng huyết áp cần ăn uống như thế nào để kiểm soát huyết áp tốt?


Uống cà phê có làm tăng huyết áp?

Nhiều người thường có thói quen uống cà phê vào buổi sáng để kích thích tinh thần. Tuy nhiên, việc uống cà phê vào buổi sáng có thể dẫn tới tăng huyết áp đặc biệt là khi uống quá nhiều. 

Trong cà phê có chứa caffein – một loại chất kích thích giúp bạn trở nên tỉnh táo và sảng khoái hơn. Nếu nạp quá nhiều caffein vào cơ thể sẽ khiến tuyến thượng thận tiết ra một hoạt chất tác động lên thần kinh giao cảm làm tim đập nhanh và huyết áp tăng. Do vậy, việc uống cà phê vào mỗi sáng có thể khiến bạn tăng nhịp tim, tăng huyết áp ở mức ngắn.

Việc uống cà phê có thể khiến huyết áp tăng 5mmHg đối với những người thường xuyên uống và tăng 10mmHg với những người không thường xuyên uống.

Người bệnh tăng huyết áp nên chọn loại cà phê đã được loại bỏ caffein để sử dụng.
Người bệnh tăng huyết áp nên chọn loại cà phê đã được loại bỏ caffein để sử dụng.

Hiện không có khuyến cáo nào về việc người tăng huyết áp không nên uống cà phê. Nhưng người bệnh nên lưu ý khi uống cà phê và cơ thể có các dấu hiệu bất thường như: hồi hộp, tức ngực, khó chịu, nôn nao… thì nên dừng lại. 

Nếu vẫn muốn sử dụng cà phê, người bệnh tăng huyết áp chỉ nên dùng một cốc cà phê và dùng loại không chứa caffein (đã loại bỏ 97% caffein). Người bệnh cũng nên lưu ý không uống cà phê vào ngay khi sáng sớm.

Những lưu ý cho người bệnh tăng huyết áp trong mùa hè

Việc duy trì lối sống lành mạnh và loại bỏ các thói quen xấu sẽ giúp người bệnh tăng huyết áp kiểm soát huyết áp một cách tốt hơn. Trong mùa hè, người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý:

- Không bỏ bữa sáng. Bên cạnh duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, người bệnh tuyệt đối không nên bỏ bữa sáng. Ngoài ra việc tiêu thụ đường hay ăn nhiều muối vào bữa sáng cũng là điều cần hạn chế. 

Người bệnh tăng huyết áp nên ăn gì? Một số thực phẩm tốt cho người tăng huyết áp là: rau cải (cải xanh, cải ngồng, cải xoăn, bắp cải, cải bẹ…) và thức ăn nhiều chất xơ như gạo lứt, các loại quả có múi, các loại thịt màu trắng, các loại cá có nhiều Omega-3 (cá thu, cá hồi).

Ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.

- Duy trì tập luyện. Vào mùa hè thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng đến việc tập luyện. Tuy nhiên người bệnh tăng huyết áp vẫn cần duy trì tập luyện (ít nhất 5 ngày một tuần và ít nhất 30 phút mỗi ngày). Người bệnh có thể lựa chọn thời gian và cách thức tập luyện tùy vào khả năng của bản thân. 

Một số bộ môn được khuyến khích là đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga… Người bệnh cần lưu ý tránh các hoạt động thể lực gắng sức ngoài khả năng của từng cơ thể.

- Tránh thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Mùa hè nhiều người có thói quen ngồi phòng điều hòa và bước ra ngoài trời nóng hoặc đi ngoài trời nắng nóng đổ mồ hôi và tắm ngay… 

Khi thời tiết nóng mạch máu sẽ giãn ra làm huyết áp hạ, việc vào phòng nhiệt độ quá lạnh gây co mạch đột ngột gây cơn tăng huyết áp hoặc ngược lại khi trong phòng máy lạnh ra ngoài trời nóng đột ngột, nguy cơ đột quỵ cao.

- Ngủ đủ giấc. Thời tiết nắng nóng có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tuy nhiên người bệnh cần biết việc ngủ đủ giấc không chỉ giúp cơ thể giảm căng thẳng, mệt mỏi mà còn giúp bạn có tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc giúp điều hòa nhịp tim và ổn định huyết áp.

- Theo dõi huyết áp thường xuyên. Người bệnh cần theo dõi huyết áp có đạt huyết áp mục tiêu hay không. Hoặc có thể đo bất kì khi nào cảm thấy có thể có dấu hiệu bất thường.

Theo SKĐS

   

Xuất bản lúc: 08:21, 11/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.