Nguy kịch vì bị đứt, rách mạch máu
Bị đâm vào vùng cổ và vùng mặt, bệnh nhân P.V.B (48 tuổi), ở huyện Nghĩa Hành được đưa đến BVĐK tỉnh cấp cứu vào tối 17/4 trong tình trạng nguy kịch, vết thương ở vùng cổ chảy máu rất nhiều.
Tại bệnh viện, sau khi hội chẩn, nhận định bệnh nhân bị đứt động mạch cảnh nên lập tức được chuyển ngay vào phòng mổ. “Đây là ca bệnh nguy kịch, máu chảy rất nhiều. Mặt khác, động mạch cảnh là động mạch lớn, cung cấp máu cho não, nên khi động mạch cảnh bị đứt, việc xử lý phải chạy đua với thời gian, để vừa cứu bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, vừa giúp bệnh nhân tránh được các di chứng về thần kinh sau này”, Bác sĩ Nguyễn Chí Trường - Khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh) tham gia mổ cho bệnh nhân B cho biết.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo cách sơ cứu khi bị chấn thương mạch máu ở cổ. |
Khâu nối động mạch cảnh là một trong những ca phẫu thuật tương đối khó, song sau 2 giờ phẫu thuật, ê - kíp trực đã khâu nối thành công động mạch cảnh chung trái, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Trải qua 7 ngày điều trị tích cực tại Khoa Ngoại tổng hợp, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt. Sau khi thăm khám, xác định sức khỏe bệnh nhân đã ổn, không bị di chứng về thần kinh, BVĐK tỉnh đã cho bệnh nhân B xuất viện.
Mới đây, vào ngày 1/5, một bệnh nhi 11 tuổi, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) vào BVĐK tỉnh cấp cứu trong tình trạng có vết thương phức tạp ở vùng bẹn, đùi trái và mất nhiều máu vì bị cọc gỗ đâm vào khi đi tắm suối. Sau khi hội chẩn, xác định bệnh nhi này ngoài các vết thương phức tạp còn bị rách tĩnh mạch chậu, các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật cho bệnh nhân. "Thành tĩnh mạch mỏng nên khi tổn thương thường chảy máu nhiều và khó cầm máu. Nguy cơ bệnh nhân tử vong do mất máu cấp vì vậy mà tăng cao. Hơn nữa, tĩnh mạch chậu giữ vai trò dẫn máu từ chân về tim, nên nếu không xử lý tốt và kịp thời, sẽ để lại di chứng về vận động cho bệnh nhân. Vì vậy, chúng tôi đã nhanh chóng loại bỏ dị vật đâm vào người bệnh nhi, cắt lọc làm sạch vết thương và khâu phục hồi tĩnh mạch", Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Huy - Khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh), người trực tiếp mổ cho bệnh nhi chia sẻ.
Sức khỏe bệnh nhi đã ổn định sau khi được khâu phục hồi tĩnh mạch chậu. |
Sau ca phẫu thuật phức tạp, sức khỏe bệnh nhi phục hồi khá tốt. Hiện tại, bệnh nhi đã tự đi lại, dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.
Sơ cứu đúng cách sẽ giảm nguy cơ tử vong
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Huy khuyến cáo, chấn thương mạch máu rất nguy hiểm, bởi chúng gây ra những biến chứng như thiếu máu cấp tính do mất máu nhanh và sốc do mất máu. Vì vậy, công tác sơ cứu ban đầu ngay tại hiện trường giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm giảm biến chứng và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
“Như trường hợp bệnh nhân bị đứt động mạch cảnh và rách tĩnh mạch chậu vừa được điều trị thành công tại bệnh viện, đều may mắn là được sơ cứu đúng cách tại hiện trường và đến bệnh viện trong vòng 1 giờ đồng hồ kể từ khi bị chấn thương. Nhờ đó, đã giảm thiểu được các biến chứng, giúp việc điều trị cho bệnh nhân được kịp thời và thuận lợi”, bác sĩ Huy chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Huy, các vị trí nguy hiểm nhất nếu bị chấn thương mạch máu là động mạch cánh tay, động mạch đùi và động mạch cảnh ở cổ. Khi sơ cứu, người sơ cứu cần dùng băng hoặc vải đặt lên vết thương, rồi buộc chặt lại cho đến khi không còn thấy máu chảy rồi mới đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Riêng vị trí vết thương ở cổ, cần đặt ngay vào vị trí vết thương một miếng băng hoặc vải, sau đó dùng que, thanh gỗ đặt ở phía bên kia cổ nạn nhân và dùng dây buộc cố định lại. Cách làm này giúp không ảnh hưởng đến đường thở của nạn nhân mà vẫn đảm bảo buộc chặt để cầm máu. Trường hợp không có que, thanh gỗ ở hiện trường, người sơ cứu đưa tay nạn nhân lên đầu, dùng cánh tay thay thế vai trò của que, thanh gỗ rồi sơ cứu tương tự.
"Đối với các vết thương có dị vật như dao, mảnh gỗ, mảnh kim loại... tuyệt đối không được rút dị vật ra khỏi vết thương, mà phải băng bó cầm máu, cố định dị vật tại vết thương và nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất", bác sĩ Huy lưu ý.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: