Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền khám bệnh cho bệnh nhân suy thận mạn. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, trong bệnh suy thận có hai loại suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp là tình trạng thận bị tổn thương, các chức năng chính của thận bao gồm lọc, đào thải nước, muối và các chất độc dư thừa khác bị mất đột ngột và tiến triển một cách nhanh chóng trong thời gian vài giờ đến vài ngày. Khi đó, cơ thể sẽ đối mặt với tình trạng rối loạn cân bằng nước, điện giải, kiềm. Suy thận mạn là tình trạng thận bị tổn thương, xơ hóa, chức năng thận suy giảm và không thể hồi phục được. Đây là hậu quả của các bệnh lý về tiết niệu và thận mạn tính. Suy thận mạn tiến triển qua từng giai đoạn và kéo dài trong nhiều tháng cho đến nhiều năm.
Bệnh suy thận mạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Khi bị suy thận, chức năng bài tiết chất thải của cơ thể sau quá trình chuyển hóa không được thực hiện. Đặc biệt là suy thận mạn, các chức năng khác của thận bị suy giảm nghiêm trọng như điều hòa dịch, điện giải, toan kiềm, kích thích tạo máu, tổng hợp vitamin D đều bị rối loạn, có thể ảnh hưởng tới sự sống.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền, các triệu chứng sớm của suy thận mạn tính thường gặp là người uể oải, mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu, tăng huyết áp. Khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn nặng thì các triệu chứng của hội chứng urê huyết cao, biểu hiện đầy đủ hơn về thần kinh như: Rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, giảm nhận thức, lơ mơ, ngủ gà, hôn mê, run rẩy, động kinh, kích thích cơ; chán ăn, mệt, buồn nôn, hơi thở khai, viêm dạ dày, viêm ruột, xuất huyết tiêu hóa. Đặc biệt là tăng huyết áp, suy tim, phù phổi cấp, viêm màng ngoài tim rất nguy hiểm cần phải nhập viện điều trị. Bệnh thận mạn ở giai đoạn đầu I, II thường không có biểu hiện gì, đa số được phát hiện qua kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận định kỳ.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: