(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, đã sản sinh ra những nhà giáo tài năng, đức độ, rạng danh quê hương.
Trương Đăng Quế - người dạy học cho nhiều hoàng tử
Nhiều người biết Trương Đăng Quế là vị đại thần Triều Nguyễn, nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ XIX với tư cách là tổng tài của nhiều bộ chính sử và tác giả của nhiều tác phẩm thơ văn giá trị. Nhưng ít ai biết, ông còn là nhà sư phạm lớn, thầy của nhiều vị hoàng tử Triều Nguyễn, trong đó có người là vua sau này.
Danh thần Trương Đăng Quế tên tự là Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê sinh ngày mùng 1 tháng 11 năm Quý Sửu (1773), tại làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi). Năm Gia Long thứ 18 (1819), ông đỗ Hương tiến (tức Cử nhân), trở thành người khai hoa cho tỉnh Quảng Ngãi, được ban biển ngạch “Quảng Ngãi phát khoa”. Năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), ông được triệu ra Huế, nhận chức Hành tẩu bộ Lễ, sau thăng Biên tu. Nhờ tài học, Trương Đăng Quế được sung làm Hoàng tử trực học, đến năm 1826 được thăng Thự Hàn lâm viện Thị độc, sung Tán thiện Tập Thiện đường. Đây là những chức quan chuyên dạy dỗ hoàng tử.
Danh thần Trương Đăng Quế. Ảnh: TL |
Học trò của Trương Đăng Quế là các hoàng tử con vua Minh Mệnh, trong đó có những vị rất nổi tiếng như Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh và đặc biệt là Nguyễn Phúc Miên Tông tức vua Thiệu Trị sau này. Sách “Đại Nam liệt truyện” cho biết, nhờ việc dạy học cho các hoàng tử đạt những kết quả tốt đẹp, Trương Đăng Quế được vua Minh Mệnh khen ngợi, bổ làm Thượng bảo Thiếu khanh chuyên quản lý công việc Văn thư phòng. Đây chính là bước ngoặt quan trọng đối với sự nghiệp quan trường của Trương Đăng Quế. Bởi nhờ những thành tích dạy học, ông được triều đình tin tưởng giao cho nhiều trọng trách. Sự nghiệp lớn lao của vị “Cố mệnh lương thần”, “Phụ chính đại thần” Trương Đăng Quế khởi nguồn từ những năm tháng dạy học này.
Trước khi có một sự nghiệp chính trị lẫy lừng, Trương Đăng Quế đã là một nhà sư phạm có uy tín lớn với một sự nghiệp dạy học đắc ý. Trước khi là một quan đại thần, ông là nhà giáo được người đương thời ngưỡng mộ về tài năng và nhân cách. Nhiều người dù không được học trực tiếp nhưng vẫn tôn ông là thầy. Theo “Đại Nam liệt truyện”, các công chúa Nguyệt Đình, Diệu Liên, Huệ Phố tự xưng là học trò của ông.
Trương Đăng Quế có ảnh hưởng lớn đến các vị hoàng tử, nhất là đối với vua Thiệu Trị. Sách “Đại Nam thực lục” ghi lại lời của vị vua này dành cho ông như sau: “Trẫm đương tuổi nhỏ, kiến thức còn ít, mọi việc chưa quen, muốn dùng người cũ để giúp đỡ trẫm những điều không nghĩ đến. Từ trước đến nay, phàm khanh có dâng điều hay, can điều trái, không điều gì mà trẫm không nghe theo”. Khi Trương Đăng Quế mất, đích thân học trò là Tuy Lý vương Miên Trinh cẩn soạn văn bia với những lời tán thán dành cho người thầy mà mình rất mực kính trọng là “mưu lược rộng lớn, công lao vĩ đại”, “dẫu tìm cả ngàn năm cũng hiếm thấy”.
Nguyễn Đình Thảng - bậc tôn sư
Trong số những người dạy học trong lĩnh vực Hán Nôm ở nước ta, thầy giáo Nguyễn Đình Thảng nhiều thế hệ học trò kính trọng, biết ơn và xem là bậc tôn sư. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú đợt đầu tiên năm 1990.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng sinh năm 1925, mất năm 2007, quê xã Bình Phước (Bình Sơn). Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH - TT&DL, năm 1945, thầy Thảng là thành viên của Ủy ban Cách mạng lâm thời Bình Sơn, trực tiếp đứng lớp dạy bổ túc, xóa mù chữ. Sau 1945, do hoạt động cách mạng bị lộ, ông tập kết ra Bắc. Ông từng tu học ở Trung Quốc và Đức, sau đó về nước dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1977, ông được điều về làm giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế). Nhà giáo Nguyễn Đình Thảng là một trong những cán bộ đầu tiên đặt nền móng cho ngành Hán Nôm ở cả hai ngôi trường danh tiếng này. Học trò của thầy tại hai trường này rất nhiều người thành đạt, giữ nhiều cương vị quan trọng, có nhiều đóng góp cho đất nước ở các lĩnh vực.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng. Ảnh: TL |
Ngoài giảng dạy, nhà giáo Nguyễn Đình Thảng còn là người có công sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch nhiều văn bia, thư tịch Hán Nôm quan trọng. Ông còn được biết đến là một thư pháp gia nổi tiếng với nét bút tài hoa được nhiều người mến mộ. Không chỉ uyên bác, tài hoa, ông còn là người thầy rất mực yêu thương học trò. Phong thái lên lớp của thầy đĩnh đạc, ung dung. Phương pháp dạy học của thầy nghiêm khắc nhưng hết lòng vì sự tiến bộ, nên người của học trò.
Nhà giáo Nguyễn Đình Thảng được các thế hệ học trò kính ngưỡng bởi nhân cách cao đẹp của một người thầy mẫu mực. Tưởng nhớ công ơn của thầy Nguyễn Đình Thảng, năm 2023, học trò các thế hệ đã lập minh bia tại phần mộ của ông ở quê nhà Bình Phước.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Quảng Ngãi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra nhiều người thầy tài đức. Trong thời Nho học, họ là những vị quan huấn đạo, hương sư, thầy đồ lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương. Trong thời hiện đại, các thầy, cô giáo ở Quảng Ngãi ngày qua ngày trên bục giảng, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" cao quý.
PHẠM TUẤN VŨ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: