Theo dòng địa chí Quảng ngãi

15:45, 27/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi không chỉ là tỉnh có nhiều cuốn địa chí trong lịch sử, mà còn là địa phương tiên phong trong việc biên soạn loại sách quan trọng này.

Ngược dòng thời gian...

Lần giở những trang sử xưa, chúng ta sẽ thấy từ rất sớm, đất nước và con người Quảng Ngãi đã được ghi lại trong nhiều tác phẩm Hán Nôm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL, bên cạnh các tác phẩm ít nhiều liên quan đến Quảng Ngãi như “Phủ biên tạp lục”, “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”..., dưới thời Nhà Nguyễn, hai công trình địa chí quan trọng trong đó có viết riêng về Quảng Ngãi là “Đại Nam nhất thống chí” và “Đồng Khánh dư địa chí”. 

 

“Đại Nam nhất thống chí” do Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng, Trần Xán biên soạn vào đời Tự Đức, đến đời Thành Thái tiếp tục bổ sung, khắc in đời Duy Tân. Trong bộ sách này có 1 quyển viết riêng về Quảng Ngãi. “Đồng Khánh dư địa chí” do Quốc sử quán biên soạn vào đời vua Đồng Khánh, đến đầu đời Thành Thái thì hoàn thành. Bộ dư địa chí này dành tập 16 để viết riêng về Quảng Ngãi.
Trong 2 bộ sách này, vùng đất và con người Quảng Ngãi được trình bày một cách hệ thống, chi tiết ở hầu hết các phương diện từ vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên đến tổ chức hành chính và dân cư, đời sống kinh tế, xã hội, phong tục, tập quán, danh lam thắng cảnh... Đây là những tư liệu quý giá đối việc tìm hiểu về Quảng Ngãi dưới thời phong kiến.

Ngoài ra, “Phương Đình dư địa chí” của Nguyễn Văn Siêu, “Vũ man tạp lục” của Nguyễn Tấn, “Hải Nam tạp trứ” của Thái Đình Lan (người Đài Loan), “Địa bạ Triều Nguyễn” phần về Quảng Ngãi và nhiều tác phẩm khác của các danh thần xứ Quảng hoặc gắn bó với Quảng Ngãi (Nguyễn Cư Trinh, Trương Đăng Quế, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thông...) cũng là những tư liệu tham khảo quan trọng về Quảng Ngãi trước đây ở nhiều lĩnh vực.

Những tác phẩm đầu tiên

Năm 1933 ghi một dấu mốc hết sức đặc biệt với sự ra đời của “Quảng Ngãi tỉnh chí”, tác phẩm được xem là công trình địa phương chí đầu tiên của cả nước được viết bằng chữ quốc ngữ. “Quảng Ngãi tỉnh chí” do Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác (1881 - 1945, người Điện Bàn, Quảng Nam) cùng các cộng sự thực hiện. Tác phẩm này đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Nam Phong, từ số 181 đến số 187. Nội dung gồm 3 phần chính: Hình thế (sơ lược về lịch sử, giới hạn, đặc điểm sông núi, biển đảo, khí hậu, di tích, danh lam...); Chính trị (lịch sử các sắc tộc, lịch sử bảo hộ, tổ chức hành chính, dân cư, quân sự, văn hóa, xã hội, giáo dục, tôn giáo, phong tục...) và kinh tế (nông, lâm, ngư nghiệp, thương mại, thuế khóa...).

Mặc dù được thực hiện bởi một vị quan đương triều nhưng “Quảng Ngãi tỉnh chí” được trình bày một cách hết sức công phu, khoa học với các đề mục chặt chẽ, thông tin chính xác, bảng biểu cụ thể, sinh động. Đánh giá về vị trí tiên phong của công trình này, chủ bút Nam Phong Tạp chí là Phạm Quỳnh đã “nêu gương” trong lời giới thiệu trên số 181 như sau: “Vậy bản chí vui lòng đăng tập Quảng Ngãi tỉnh chí và ao ước rằng các tỉnh khác ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ đều mỗi tỉnh làm một tập “tỉnh chí” như vậy, thì giúp cho việc học địa dư trong nước không phải là ít vậy”. Sáu năm sau, Đốc học Quảng Ngãi Nguyễn Đóa và Tu học Quảng Ngãi Nguyễn Đạt Nhơn biên soạn “Địa dư tỉnh Quảng Ngãi”. Sách viết bằng chữ quốc ngữ, in tại Huế. “Địa dư tỉnh Quảng Ngãi” tuy mỏng, chủ yếu dùng để phục vụ trong trường học nhưng ghi lại khá đầy đủ về đất và người xứ Quảng, nhất là các hoạt động giao thương, các nghề truyền thống, như nghề làm đường cát, đường phèn, đường muỗng, nghề dệt, nghề mộc...

Một góc thành phố Quảng Ngãi.
Ảnh: THANH NHỊ
Một góc thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: THANH NHỊ

Tiếp nối tinh thần tiên phong của “Quảng Ngãi tỉnh chí” và “Địa dư tỉnh Quảng Ngãi”, năm 1962, tác giả Phạm Trung Việt xuất bản “Non nước xứ Quảng”, một công trình biên khảo giá trị về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ngãi. Tác phẩm lập tức gây được tiếng vang lớn trên văn đàn, trở thành cuốn sách gối đầu giường của người Quảng, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên. Nhiều thanh niên Quảng Ngãi lên đường kháng chiến đã mang theo cuốn sách gói trọn tình quê trong gói hành trang của mình.

Sức hút của “Non nước xứ Quảng” đã tác động lớn đến phong trào biên khảo về địa phương với sự ra đời của một loạt sách “tỉnh chí” ngay sau đó như “Nước non Bình Định” của nhà thơ Quách Tấn năm 1967, “Định Tường xưa và nay”, “Gò Công xưa và nay” của nhà sưu khảo Huỳnh Minh năm 1969. Cũng trong năm 1969, tác giả Phạm Trung Việt bổ sung, tái bản “Non nước xứ Quảng tân biên”. Sách do nhà sách Khai Trí phát hành, tay gập sách trích một số đánh giá rất cao về tập biên khảo này, chẳng hạn: “Non nước xứ Quảng” là cuốn sách đã giới thiệu rất đầy đủ về Quảng Ngãi với thắng cảnh, danh nhân, các sản vật và sinh hoạt của người dân Quảng Ngãi”.

Có thể nói, không chỉ mang giá trị mở đầu và khởi xướng, “Quảng Ngãi tỉnh chí”, “Địa dư tỉnh Quảng Ngãi” và “Non nước xứ Quảng” được xem là những công trình địa phương chí tiêu biểu, giá trị nhất về Quảng Ngãi trong thế kỷ XX. Đến nay, đây vẫn là những tác phẩm được tham khảo nhiều nhất khi tìm hiểu về Quảng Ngãi trong thế kỷ trước.  

Đến công trình “Địa chí Quảng Ngãi”

Đối với người dân mỗi địa phương, tác phẩm địa chí không chỉ là “cuốn sách giáo khoa” các tri thức về địa phương mình, mà còn là niềm tự hào, nơi gửi gắm tình yêu về quê hương.

Năm 2008, tỉnh Quảng Ngãi công bố “Địa chí Quảng Ngãi”. Công trình này do Tỉnh ủy chỉ đạo, UBND tỉnh chủ trì, được thực hiện bởi tập thể các nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài tỉnh. Sách in bìa cứng, dày 1163 trang, do Nhà xuất bản Từ điển bách khoa ấn hành, gồm 5 phần chính: Hành chính, tự nhiên và dân cư; Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Kinh tế; Văn hóa - xã hội; Thành phố Quảng Ngãi và các huyện. Đây được xem là một “bách khoa thư” về tỉnh Quảng Ngãi tính đến thời điểm những năm đầu thế kỷ XXI, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh về một cuốn địa chí chính thức của tỉnh nhà.

Đến nay, sau hơn 15 năm kể từ thời điểm công trình “Địa chí Quảng Ngãi” được công bố, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều thành tựu lớn trên tất cả các lĩnh vực. Việc cập nhật, bổ sung, hoàn thiện công trình “Địa chí Quảng Ngãi” ở một tầm vóc lớn hơn đang là nguyện vọng tha thiết của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và người Quảng Ngãi đang sinh sống ở các địa phương khác.

PHẠM TUẤN VŨ

  TIN, BÀI LIÊN QUAN:  

 

Xuất bản lúc: 15:45, 27/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.