KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH QUẢNG NGÃI (24/3/1975 - 24/3/2024)

Sống mãi với thời gian

22:38, 24/03/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã 49 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng 3/1975 lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính Bộ đội Cụ Hồ năm xưa.
 
Chúng tôi vô cùng cảm động khi đọc một đoạn thơ trong bài thơ Tình quê vào trận mới do Chính trị viên Tiểu đoàn 81 Nguyễn Xuân Quang sáng tác vào tối 16/3/1975 trong cuốn nhật ký của ông: “Nhớ chiều ấy trời trong lộng gió/ Dưới chân đồi cờ đỏ tung bay/ Cả đoàn người nét mặt hăng say/ Cùng hô lớn tay tay thề quyết/”. Vâng buổi chiều ấy, những lính tuổi đôi mươi được lệnh hành quân, bí mật triển khai phương án tác chiến, quyết tâm vào trận chiến mới. 

VIẾT TRONG MƯA BOM, BÃO ĐẠN

Hàng chục năm qua, ông Nguyễn Xuân Quang (77 tuổi) ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), vẫn nâng niu, gìn giữ cuốn nhật ký đã cũ, bìa sờn màu, bạc góc. Đó là cuốn nhật ký ông bắt đầu viết từ năm 1965 đến 1975, ghi lại những trận đánh ông đã tham gia. Sau mỗi trận đánh, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, ông ngồi ghi lại mốc thời gian, diễn biến, kết thúc trận đánh trong cuốn sổ tay. Cho đến bây giờ, ông Quang vẫn nhớ mãi những ngày tháng 3/1975 lịch sử, hào hùng ấy.

 
Trước đây, ông Quang là Chính trị viên Tiểu đoàn 81, thuộc Trung đoàn 94, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Trung đoàn 94 có 3 đơn vị là Tiểu đoàn 83, Tiểu đoàn 81 và Tiểu đoàn 48. Ngày 15/3/1975, tại xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Tiểu đoàn 81 họp, nhận lệnh ra quân chiến đấu ở phía tây huyện Bình Sơn. Tiểu đoàn 81 đã bí mật dàn quân, áp sát mục tiêu, đợi đến 16 giờ 30 ngày 16/3/1975, tấn công đánh đồn Gò Sỏi, xã Bình Trung (Bình Sơn) tiêu diệt một đại đội địa phương quân và 2 trung đội dân vệ, tịch thu toàn bộ vũ khí, bắt sống quân địch. Đến ngày 17/3/1975, Tiểu đoàn 81 và Tiểu đoàn 48 đã phục kích đánh địch, tiêu diệt một Tiểu đoàn Cộng hòa của Trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 ngụy kéo lên phản công. Trong ngày 19 và 20/3, Tiểu đoàn 81 được lệnh di chuyển lên xã Bình An (Bình Sơn) và xã Trà Bình (Trà Bồng) để chặn đánh quân địch từ quận Trà Bồng xuống, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn biệt động.
Bức ảnh các chiến sĩ Tiểu đoàn 81 bên chiến lợi phẩm chụp vào ngày 25/3/1975 trong trận địa đánh quân địch tháo chạy tại xã Bình Long (Bình Sơn) do ông Nguyễn Xuân Quang gìn giữ.
Bức ảnh các chiến sĩ Tiểu đoàn 81 bên chiến lợi phẩm chụp vào ngày 25/3/1975 trong trận địa đánh quân địch tháo chạy tại xã Bình Long (Bình Sơn) do ông Nguyễn Xuân Quang gìn giữ.

Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ, đến ngày 24/3/1975, Tiểu đoàn 81 tiếp tục nhận lệnh chiến đấu, chiếm Quốc lộ 1, phục kích từ chợ Bình Liên đến cầu Ô Sông (Bình Sơn) trọng điểm là truông Ba Gò. Trên đường quân địch tháo chạy, rút về căn cứ Chu Lai, các chiến sĩ đã phục kích, địch bỏ súng đầu hàng, tan rã, góp phần vào chiến thắng, giải phóng tỉnh nhà. Quân ta tịch thu toàn bộ phương tiện chiến tranh, khí tài đạn dược... 

“Đêm 16/3/1975, tôi đã ghi những lời thơ: Chiều nay đi nhưng lòng mãi đợi/ Hẹn ngày về cùng với quê hương. Những người chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa hy vọng về ngày đất nước hòa bình không còn tiếng súng. Thế nhưng, có những đồng đội của chúng tôi đã hy sinh ngã xuống ngay trước thời khắc tỉnh nhà được giải phóng, mất mát ấy đau xót không thể nào kể hết được. Thời điểm đó, chúng tôi dặn lòng động viên anh em giữ vững trận địa, quyết tâm xông lên chiến đấu bảo vệ đất nước. Đến lúc nghe tin tuyên bố tỉnh nhà được giải phóng, những người chiến sĩ đã ôm chầm lấy nhau, vui mừng, hạnh phúc mà nước mắt tuôn trào. Nước mắt mong chờ ngày độc lập, ngày đoàn viên với gia đình”, ông Quang xúc động kể lại.

Cùng với cuốn nhật ký, ông Quang còn gìn giữ một số bức ảnh quý giá ghi lại thời điểm lịch sử các chiến sĩ bên các chiến lợi phẩm thu giữ từ quân địch. Trong những bức ảnh ấy, những người chiến sĩ tóc vẫn còn xanh đen, ánh mắt ngời sáng niềm hy vọng. Trong số những kỷ vật đó, ông Quang đã tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

NHỮNG KỶ VẬT, CHIẾN CÔNG KHÓ QUÊN

Năm nay đã 72 tuổi, nhưng ông Nguyễn Tấn Công, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) vẫn nhớ như in “thời cơ nghìn năm có một” về chiến dịch mùa xuân năm 1975. Ông Công tham gia hoạt động cách mạng từ khi mới 13 tuổi. Mưu trí, anh dũng và được rèn luyện, trưởng thành sớm năm 19 tuổi, ông Công đảm nhận nhiệm vụ Đại đội trưởng Đại đội 71Z của huyện Đông Sơn. Đại đội 71Z với hầu hết các chiến sĩ là con em của quê hương nên quen địa bàn, am hiểu tình hình, là một trong những lực lượng chủ công của huyện Đông Sơn. Tháng 3/1975, ông Công là một trong những người trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang huyện Đông Sơn đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu phía tây và tây nam của huyện Đông Sơn (từ xã Bình Hiệp cho đến đầu cầu Trà Khúc). Trước đây, huyện Đông Sơn gồm 9 xã khu đông huyện Sơn Tịnh, 7 xã của huyện Bình Sơn trong đó có 2 xã của Lý Sơn.

Ông Nguyễn Tấn Công bên các bức ảnh kỷ vật thời chiến.
Ông Nguyễn Tấn Công bên các bức ảnh kỷ vật thời chiến.

“Cách đây 49 năm, chính vào những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi là những người chiến sĩ giải phóng quân cùng với các đồng chí, đồng bào là con em của quê hương đã phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu đánh địch từ xã Tịnh Phong và các xã lân cận để tiến thẳng vào đánh quận lỵ, Chi khu Sơn Tịnh và đồn 45 cầu Trà Khúc. Đồng thời, phối hợp cùng cánh quân từ TX.Quảng Ngãi và bộ đội chủ lực tấn công quyết liệt, tiêu diệt địch ở Sơn Tịnh, TX.Quảng Ngãi cũng như chặn đánh địch thoát chạy ra căn cứ Chu Lai trên Quốc lộ 1. Biết bao ước mơ, chờ đợi, bao hận thù dồn nén chất chứa, quyết chí giải phóng quê hương, ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Quê hương sạch bóng quân thù, các chiến sĩ và người dân vui mừng gặp nhau. Không ai nói với ai lời nào, những giọt nước mắt hạnh phúc đã nói lên tất cả”, ông Công bồi hồi nhớ lại.

Quân ta thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng, phương tiện chiến đấu của địch, làm chủ hoàn toàn trận địa. Lực lượng vũ trang huyện Đông Sơn lúc bấy giờ tiến hành củng cố lực lượng, trang bị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Đến tối 30/3, được lệnh của cấp trên, lực lượng vũ trang huyện Đông Sơn bố trí trên 12 chiếc thuyền trưng dụng của nhân dân xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh, nay thuộc TP.Quảng Ngãi) và xã Bình Châu (Bình Sơn), tiến thẳng về hướng Lý Sơn. Đúng 5 giờ sáng ngày 31/3/1975, bộ đội chiếm lĩnh và tiếp quản Lý Sơn. Cờ Mặt trận giải phóng và cờ Tổ quốc tung bay phất phới trên bầu trời biển đảo.
Ông Công vẫn còn giữ bức ảnh chụp các chiến sĩ thuộc Đại đội 71Z với lời chú thích phía sau “Kỷ niệm Đại hội lần thứ IV Chi đoàn 71Z tháng 5/1965”. Bức ảnh như kỷ vật quý, ông gìn giữ bản gốc và phóng to để treo trang trọng trên tường nhà. Những người lính từng đi qua thời chiến, trân trọng biết bao giá trị của hòa bình. 

“Bây giờ được sống trong thời bình, được ở trong nhà, ngồi ăn cơm trò chuyện cùng con cháu, những điều nhỏ bé, giản dị ấy có ý nghĩa lớn lao biết chừng nào. Cuộc sống thanh bình càng thêm quý trọng, nhắc nhớ về những tháng ngày lịch sử, chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước’, ông Công chia sẻ.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:38, 24/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.