(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhật ký của mình, chị Đặng Thùy Trâm thường kể về cô em gái tên Ninh, người gọi nữ bác sĩ bằng hai tiếng thân thương “chị Hai”, dù không cùng máu mủ. Cô em gái ấy là Tạ Thị Ninh (76 tuổi), một nữ y tá quân y can trường trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ).
Tình chị em, tình đồng chí
Tháng 1/1969, sau khi kết thúc lớp đào tạo học viên y tá do chính mình giảng dạy, bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết về người em gái kết nghĩa tên Ninh vào nhật ký bằng tất cả niềm yêu thương. “Lớp học y tá ra về, rất nhiều học sinh ôm lấy mình lưu luyến không chịu buông ra. Những cái hôn sôi nổi nhiệt tình. Riêng với Ninh, con bé buồn buồn đến nắm tay mình khẽ nói “Em về nghe chị Hai”, rồi không hiểu sao nó gục đầu vào vai mình khóc ròng. Cũng nhiều đứa khóc khi chia tay với mình, nhưng sao nước mắt của đứa em gái nhỏ này lại làm mình cảm động. Phải chăng mình thương Ninh vì nhà em vừa bị đốt cháy trụi không còn một hạt lúa để ăn. Phải chăng mình thương em vì tình cảm chân thành thắm thiết mà con bé đã nhiều lần tâm sự với mình... Thôi về đi nghe em. Chúc em vững bước trên con đường vinh quang và gian khổ của người y tế cách mạng, bàn chân em nhỏ bé nhưng chắc rằng bước chân em sẽ lớn và dài trong cuộc sống vĩ đại của thế hệ chúng ta”.
![]() |
Bà Tạ Thị Ninh bên di ảnh của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ). |
Tạ Thị Ninh là một người con của vùng đất lửa Phổ Cường (TX.Đức Phổ). Cuối năm 1968, ở tuổi 19, Ninh tham gia học lớp đào tạo y tá ngắn hạn tại Bệnh xá Đức Phổ do bác sĩ Đặng Thùy Trâm, lúc ấy là Trưởng bệnh xá giảng dạy. “Những ngày đầu chị Trâm đến với quê hương Đức Phổ, tôi may mắn được gặp chị, vì má tôi - Nguyễn Thị Hải là cơ sở của cách mạng. Chị gọi má tôi bằng 2 chữ thân thương “má Hải”. Còn tôi, vì kính trọng và luôn xem chị là chị ruột của mình nên đã gọi chị là chị Hai. Được gặp chị Trâm, được trở thành em gái kết nghĩa của chị Trâm là niềm vinh dự nhất đời tôi. Cũng vì yêu mến, cảm phục một nhân cách lớn là chị, mà tôi quyết tâm noi gương chị, nỗ lực theo học lớp đào tạo học viên y tá do chính chị giảng dạy, để được trở thành người y tế cách mạng”, bà Tạ Thị Ninh bồi hồi mở đầu câu chuyện kể về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với chúng tôi bằng giọng trầm buồn xen lẫn tự hào.
Tròn 55 năm kể từ khi liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mãi nằm lại với đất mẹ Quảng Ngãi, nhưng trong lòng bà Tạ Thị Ninh, những hồi ức về người liệt sĩ kiên trung vẫn luôn hiện lên rõ mồn một, như mới vừa hôm qua. Tháng 12/1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu tại chiến trường Đức Phổ, một trong những chiến trường ác liệt nhất Khu 5 thời bấy giờ. Đến giữa tháng 4/1967, khi được giao phụ trách trạm tiền phẫu nam Đức Phổ (đóng tại xã Phổ Khánh), bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã tận tình cứu chữa và chăm sóc cho bộ đội, nhân dân và du kích các xã phía nam huyện. Trong quãng thời gian này, nhà của bà Nguyễn Thị Hải - mẹ của Tạ Thị Ninh, với 5 căn hầm bí mật ngay dưới nền nhà và xung quanh vườn đã trở thành nơi trú ngụ của chị Trâm cùng nhiều cán bộ, du kích địa phương.
Gần gũi, gặp gỡ bác sĩ Đặng Thùy Trâm thường xuyên trong những lần chị ghé thăm nhà lúc đi cơ sở để cứu chữa cho quân và dân ta; nên khi nghe bác sĩ Trâm mở lớp đào tạo y tá, cô gái quê ở vùng đất lửa Phổ Cường Tạ Thị Ninh đã khăn gói lên bệnh xá học nghề. Tình chị em giữa hai người con gái không cùng máu mủ đã phát triển lên thành tình đồng chí, khi cả hai cùng có chung một lý tưởng cách mạng và hoài bão trở thành người thầy thuốc giỏi để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tiếp nối “ngọn lửa” Đặng Thùy Trâm
Ngày 27/8/1968, tại Bệnh xá Đức Phổ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm bồi hồi viết vào nhật ký: “Một cas mổ quan trọng đã kết quả: Thận dập nát đã được may lại. Máu ngừng chảy, nước tiểu người bệnh nhân ấy đã trong lại bình thường... Một dòng máu đã ngưng chảy, nhưng bao dòng máu khác đã chảy và đang chảy? Phải hàn gắn được vết thương trên mình Tổ quốc chúng ta kia. Bọn Mỹ như những con quỷ khát máu đang cắn trộm chúng ta. Bao giờ đuổi hết chúng ra khỏi đất nước Việt Nam, lúc đó, máu mới ngừng chảy”.
Trong khoảng thời gian này, cô em gái kết nghĩa của bác sĩ Đặng Thùy Trâm là Tạ Thị Ninh cũng đang có mặt tại bệnh xá để theo học khóa đào tạo y tá sơ cấp. Giữa rừng núi hoang vu, bệnh xá chỉ là những lán trại thô sơ giữa rừng, thường xuyên thiếu thốn thuốc men, nhưng khi chứng kiến nhiều thương binh bị thương nặng, trong đó có ca thương binh bị dập nát thận thoát chết thần kỳ nhờ tài năng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Tạ Thị Ninh dặn lòng, phải học thật tốt để sau này noi theo gương chị Trâm cứu người.
![]() |
Cán bộ, nhân viên ngành Y tế tỉnh dâng hương tại Tượng đài liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm nhân dịp 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. |
Học xong khóa đào tạo y tá sơ cấp với thành tích xuất sắc, Ninh bịn rịn chia tay “chị Hai” để trở về xã phục vụ. “Tôi xúc động không sao kể hết. Những ngày tháng ở giữa rừng học tập, tôi càng thương và nể phục chị bội phần, khi một bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội như chị Trâm đã dấn thân vào lao khổ, vì Đức Phổ thân yêu. Trước ngày tôi về, chị còn viết vào quyển sổ của tôi những dòng chữ thiết tha rằng: Thời gian năm tháng vừa qua. Mai đà sắp đến chia tay ra về. Nhớ em chị chẳng có gì. Viết dòng lưu niệm ghi vào vở em. Để em nhớ lại những ngày. Cùng nhau học tập mà nay đâu còn. Thương em lứa tuổi còn non. Quê hương còn giặc, đang còn giẫm lên. Mong em tiến mãi không lùi. Giữ đà tiến tới, không lùi nghe em”, bà Ninh đọc thuộc làu những dòng thơ mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm dành tặng bà từ cách đây 56 năm về trước.
Thêm chữ Thùy vào tên mình Ông Võ Duy Trinh - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo huyện Đức Phổ, người từng được liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm cứu chữa trong chiến tranh chia sẻ, vì yêu quý, mến phục chị Trâm nên ngày đó nhiều nữ cán bộ, y tá ở Đức Phổ đã thêm chữ “Thùy” vào trước tên mình. Như nữ y tá xã Phổ Cường Nguyễn Thị Thùy Đáng, nguyên Chính trị viên Đại đội Hồng Gấm Nguyễn Thị Thùy Ngôn... |
Khắc sâu lời dặn dò của “chị Hai”, trong suốt những năm tháng chiến tranh, cô y tá nhỏ nhắn nhưng bản lĩnh Tạ Thị Ninh luôn “tiến mãi không lùi”. Vừa tham gia chiến đấu, vừa đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa cho thương binh, Ninh cũng trở thành thương binh hạng 2/4 vào năm 1972, khi đang chiến đấu tại vùng đất lửa Phổ Cường. Vết thương vừa kịp kéo da non, cô lại hăng hái lên đường về với Bệnh xá X.50, lúc ấy đang đóng ở vùng núi cao Ba Tơ để học thêm khóa chuyên sâu về y tá rồi về phục vụ tại Bệnh xá Đức Phổ - nơi “chị Hai” của cô từng chiến đấu bảo vệ thương binh và hy sinh anh dũng.
Hòa bình lập lại, khi tỉnh nhà cùng cả nước ra sức vượt qua khó khăn, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, nữ y tá Tạ Thị Ninh tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ở tuổi 26, nữ y tá Tạ Thị Ninh đảm nhận trọng trách Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phổ Cường. Những ngày đầu gian khó, cô vừa nỗ lực khám, chữa bệnh vừa mang những câu thơ, câu vè dung dị, dễ nhớ về các bài thuốc Nam trị bệnh thông thường, về phong trào ăn sạch, uống sạch, ở sạch mà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã dạy, để truyền đạt lại cho người dân.
Đã 55 năm kể từ ngày bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh, nữ bác sĩ anh hùng vẫn luôn sống mãi trong lòng người em gái kết nghĩa Tạ Thị Ninh và nhiều người dân TX.Đức Phổ. Tại nhà bà Ninh, vào ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) và ngày giỗ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (22/6), bà vẫn luôn tự tay nấu mâm cơm cúng, kính cẩn cúng “chị Hai” của mình. “Mâm cơm cúng luôn có món cua đồng. Đây là món ăn dân dã, mộc mạc má tôi vẫn thường nấu mỗi khi chị ghé nhà. Lúc má tôi còn sống, bữa cơm nào má cũng xới thêm một chén cơm, một đôi đũa. Má bảo, đó là chén cơm má dành cho con gái Thùy Trâm của má”, bà Ninh rưng rưng.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: