Cõng chữ lên non

22:18, 16/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hành trình "cõng chữ" lên non của các thầy, cô giáo ở huyện vùng  cao Sơn Tây nhiều gian nan, vất vả. Nhưng lòng yêu nghề, mến trẻ đã tiếp cho họ  động lực để cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. 

Tuổi xuân nơi rẻo cao

Chúng tôi đến xã Sơn Tân (Sơn Tây) khi mùa đông đã kéo hơi lạnh về khắp đại ngàn. Sương mù bảng lảng nơi những cánh rừng. Đường vào thôn Tà Dô mùa mưa càng khó đi, đáng ngại nhất là tình trạng sạt lở và ngọn nước từ con thác Nước Leo đổ xuống. Anh cán bộ xã cùng đi thấy tôi lo lắng nên bảo, mưa nhỏ nên nước thác chưa chia cắt đường đâu. Mùa này ở miền núi là vậy đó! Vượt qua quãng đường núi hơn 10km, chúng tôi đến điểm trường Tà Dô, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Tân. Tại đây, chúng tôi gặp cô giáo Trần Thị Ngọc (35 tuổi) với thâm niên 12 năm cắm bản.

Tranh thủ thời gian sau buổi học, cô Trần Thị Ngọc kèm cặp học sinh là người dân tộc Ca Dong học tiếng Việt.
Tranh thủ thời gian sau buổi học, cô Trần Thị Ngọc kèm cặp học sinh là người dân tộc Ca Dong học tiếng Việt.
Lớp học của cô Ngọc nơi rẻo cao ngập tràn tiếng ê, a đánh vần của trẻ thơ. Tranh thủ giờ học sinh (HS) ra chơi, cô Ngọc chia sẻ về những năm tháng mới lên vùng đất khó. Cô Ngọc quê ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Năm 2012, cô được phân công về dạy ở điểm trường Tà Dô. “Ngày ấy, lớp học còn tạm bợ. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cái bụng chưa ấm, nên cái chữ không muốn theo. Nhiều em có bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con cho người thân, hàng xóm nên việc học của các em thiếu sự quan tâm. Có hôm mình phải vô rừng đi tìm từng trò rồi chở đến lớp”, cô Ngọc kể. 

Cô Ngọc bảo, vất vả nhất của giáo viên ở vùng cao là HS đi học kiểu "giã gạo". Vì vậy, sau những giờ dạy học, cô tìm đến tận nhà vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp. Cứ thế, bao nhiêu năm công tác ở miền núi là bấy nhiêu thời gian cô làm tuyên truyền viên, thuyết phục phụ huynh đưa con ra lớp. Mỗi ngày đi dạy, cô Ngọc mang theo 1 - 2 mũ bảo hiểm để ngay yên xe. Hôm nào HS không có ai đưa đón thì cô chở các em về. Nhiều em đi bộ đến lớp không có dép, không có mũ, cô tự bỏ tiền túi để mua cho các em. Hành trang đứng lớp của cô Ngọc không chỉ là giáo án, đồ dùng học tập, mà còn có cả bánh, kẹo, bút viết, kẹp tóc... Cô Ngọc bảo rằng, phải vừa dạy vừa khuyến khích HS như là phần thưởng để các con phấn khởi đến lớp. 

Cô giáo Trần Thị Ngọc, ở điểm trường Tà Dô, xã Sơn Tân (Sơn Tây) thường xuyên đến nhà dân để tuyên truyền lợi ích của việc học, vận động học sinh ra lớp.
Cô giáo Trần Thị Ngọc, ở điểm trường Tà Dô, xã Sơn Tân (Sơn Tây) thường xuyên đến nhà dân để tuyên truyền lợi ích của việc học, vận động học sinh ra lớp.

Kỷ niệm về em Đinh Văn Chữ khiến cô Ngọc không thể nào quên. Năm ấy, em Chữ học lớp 1. Hoàn cảnh gia đình Chữ rất đáng thương, không có bố, mẹ bị bệnh tâm thần. Em Chữ sống thiếu sự quan tâm từ gia đình và bữa đói, bữa no nên thường xuyên nghỉ học. Cô Ngọc đã nhận đỡ đầu và thuyết phục cậu của Chữ giúp đỡ em. Nhờ đó, Chữ được chăm lo học hành tốt hơn. Em Chữ giờ đã lên lớp 3. “Em thương cô Ngọc lắm. Cô mua cho em quần áo, dạy em học chữ. Em sẽ nghe lời cô, học thật tốt”, em Chữ chia sẻ.

Chính tình thương đối với học trò là liều thuốc tinh thần giúp cô Ngọc bám trụ nơi vùng cao này. Với HS , cô giáo Ngọc như người mẹ hiền thứ 2 luôn ân cần, dành tình thương và sự tận tụy để giúp các em tìm đến ánh sáng tri thức. "Học sinh nơi đây chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều em rất nhút nhát, nên cô phải nhẹ nhàng động viên, khích lệ, hướng dẫn các em từ cách cầm bút đến cách viết, cách đọc. Niềm vui của cô là khi HS tiến bộ từng ngày", cô Ngọc tâm sự.

Người thầy tận tụy ở Nước Đốp

Thầy giáo Nguyễn Tấn Tỵ (35 tuổi), quê xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây. Thầy Tỵ có thâm niêm công tác 12 năm ở vùng cao Sơn Tây.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, thầy Tỵ được phân công về dạy học ở điểm trường Ra Manh, thuộc thôn Ra Manh, xã Sơn Long. Một năm sau, anh chuyển đến dạy tại điểm trường Nước Đốp, thuộc Trường Tiểu học Sơn Long. Kể về những kỷ niệm dạy học ở Nước Đốp, thầy Tỵ cho biết, khu dân cư Nước Đốp nằm heo hút trên quả đồi bên kia lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Đây là địa bàn khó khăn nhất của huyện Sơn Tây.

Ngày trước, để đến được Nước Đốp, từ trung tâm xã Sơn Long, thầy Tỵ cùng hai đồng nghiệp phải “vạch rừng” tìm lối mòn, đi bộ đường rừng gần 3 giờ mới đến nơi. Những ngày đầu cắm bản tại Nước Đốp, thầy Tỵ cùng đồng nghiệp vận động người dân dựng lều bằng lồ ô, tre, nứa làm lớp học và chỗ ở. “Ngày ấy, chúng tôi vừa giảng dạy, vừa vận động các gia đình đưa trẻ ra lớp. Điều kiện ăn, ở đều nhờ vào dân. Ban đêm, chúng tôi kèm các HS yếu để các em biết chữ”, thầy Tỵ nhớ lại.



Thầy giáo Nguyễn Tấn Tỵ đang dạy học cho học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.
Thầy giáo Nguyễn Tấn Tỵ đang dạy học cho học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.

Nhờ chịu khó học tiếng của đồng bào Ca Dong nên thầy Tỵ trở thành “cầu nối ngôn ngữ” truyền đạt tiếng Việt cho học trò. Bên cạnh dạy chữ, thầy Tỵ còn dạy cho HS và tuyên truyền đến người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, ngủ phải mắc màn không cho muỗi đốt... Thầy còn kết nối nhiều tấm lòng thiện nguyện ở miền xuôi để có những phần quà cho HS, giúp HS có đôi dép mới, có áo ấm để vơi đi rét mướt mùa đông. Em Đinh Thị Thin, ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long đến giờ vẫn xem thầy Tỵ như người cha thứ hai của mình. Hoàn cảnh của Thin rất khó khăn, mồ côi cả bố lẫn mẹ. Thầy Tỵ cùng đồng nghiệp đã cưu mang, giúp đỡ em Thin. Giờ đây, Thin đi làm công nhân ở xa quê, nhưng mỗi khi có dịp về làng, em đến thăm thầy giáo cũ, bên vòng tay yêu thương, nặng nghĩa thầy trò.

"Các giáo viên ở miền núi không chỉ dạy học, mà còn phải đi đến tận làng để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của giáo dục. Các thầy, cô giáo đã viết tiếp câu chuyện tình người trên hành trình gieo chữ ở đất ngàn cau”.

 Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây 
NGUYỄN MINH ANH

Năm 2017, thầy Tỵ được chuyển về dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây. Ngoài tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thầy Tỵ đổi mới phương pháp giảng dạy để HS yêu thích học môn Lịch sử. Trong số học trò được thầy Tỵ bồi dưỡng, có em Lương Phạm Y Va từng đoạt giải ở kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Ngoài dạy học, buổi tối, thầy Tỵ cùng một số giáo viên chăm lo, nhắc nhở HS nội trú ở trường tổ chức học nhóm, bồi dưỡng cho các HS yếu kém.

Chia tay cô giáo Ngọc, thầy Tỵ cùng những lớp học vùng núi cao, chúng tôi không khỏi cảm phục những nhà giáo đã dành trọn tuổi xuân để ngày ngày cõng chữ lên non, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:18, 16/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.