(Báo Quảng Ngãi)- Dù thuộc diện hộ nghèo, gia đình đông con, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần vì việc chung, một số hộ dân ở huyện Ba Tơ đã tiên phong hiến đất để xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn. Cũng nhờ vậy mà nhiều địa phương có điểm sinh hoạt tập trung, có đường bê tông, diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.
Xung phong hiến đất
Từ trung tâm xã Ba Dinh (Ba Tơ), muốn đến thôn Kách Lang phải băng qua một con suối. Vào mùa mưa, toàn thôn Kách Lang bị cô lập. Đây là thôn đặc biệt khó khăn với 100% người dân tộc thiểu số sinh sống, số lượng hộ nghèo cũng nhiều nhất ở xã. Thuộc diện hộ nghèo, thế nhưng đầu năm 2024, khi nghe thông tin Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, anh Phạm Văn Trin đã không chút ngần ngại, tiên phong hiến một nửa diện tích đất vườn để xây dựng công trình. Khu vực đất anh Trin lựa chọn để hiến xây dựng nhà văn hóa nằm ở vị trí đẹp, chỗ đất vuông vức nhất trong vườn nhà anh.
Anh Phạm Văn Trin (bên trái) trò chuyện với Bí thư Chi bộ thôn Kách Lang, xã Ba Dinh (Ba Tơ) trước nhà văn hóa thôn. |
Chúng tôi theo chân cán bộ địa phương đến thăm nhà anh Trin, ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên nhà văn hóa thôn vừa được xây dựng khang trang. Trong ngôi nhà của anh Trin, nhìn quanh không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi nhỏ. Hướng mắt nhìn về nhà văn hóa thôn, anh Trin chia sẻ, mảnh đất nhà tôi rộng hơn 2.000m2, phía trước nhà, tôi có trồng mì, trồng bắp. Đầu năm nay, khi nghe lãnh đạo địa phương nói về việc đang cần quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng, tôi bàn với vợ và cả hai vợ chồng thống nhất hiến diện tích gần 1.100m2.
“Đất là tài sản quý giá. Từ diện tích ấy, hằng năm tôi trồng trọt cũng có thu nhập trang trải cuộc sống. Thế nhưng, nhiều năm qua, ở thôn không có nhà văn hóa, không có điểm sinh hoạt tập trung. Cứ mỗi lần họp dân hay trong thôn, tổ chức chương trình văn nghệ, thể thao, giao lưu hoặc tiếp xúc cử tri phải đi tìm nhờ nhà dân. Vườn nhà tôi lại nằm ở vị trí trung tâm thôn nên thấy việc gì cần cho mọi người thì tôi làm, hiến diện tích đất nhiều một chút để bà con có chỗ hội họp, để xe cho rộng rãi”, anh Trin bộc bạch.
"Đất là tài sản quý giá. Từ diện tích ấy, hằng năm tôi trồng trọt cũng có thu nhập trang trải cuộc sống. Thế nhưng, nhiều năm qua, ở thôn không có nhà văn hóa, không có điểm sinh hoạt tập trung. Cứ mỗi lần họp dân hay trong thôn tổ chức chương trình văn nghệ, thể thao, giao lưu hoặc tiếp xúc cử tri phải đi tìm nhờ nhà dân. Vườn nhà tôi lại nằm ở vị trí trung tâm thôn, nên thấy việc gì cần cho mọi người thì tôi làm, hiến diện tích đất nhiều một chút để bà con có chỗ hội họp, để xe cho rộng rãi”. Anh PHẠM VĂN TRIN |
Vợ chồng anh Trin làm rẫy, đất trồng keo cũng không nhiều như những hộ dân khác, chỉ có hơn 1ha keo. Dù chăm chỉ làm ăn nhưng phải nuôi 2 con đang tuổi đến trường, nên vợ chồng anh chưa thoát khỏi diện nghèo. Ngôi nhà của vợ chồng anh xây cũng đã lâu, xuống cấp, thế nhưng khi hiến diện tích đất lớn cho địa phương để làm nhà văn hóa, vợ chồng anh không so tính thiệt hơn.
“Nhà tôi thì nhỏ nhưng nhìn sang nhà văn hóa thôn xây dựng khang trang, rộng rãi, tôi cũng thấy vui lây. Cứ chiều đến, bà con, trẻ em trong thôn tập trung về nhà văn hóa vui chơi, tập thể dục, nói chuyện rôm rả, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, bền chặt hơn thì không gì quý bằng. Còn về phần mình, vợ chồng tôi hằng ngày vẫn đi làm keo, khi rảnh thì ai thuê gì làm nấy. Thời gian đến, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực lao động, trồng trọt thêm các loại cây hoa màu để có điều kiện nuôi các con ăn học và thoát khỏi diện nghèo”, anh Trin cho hay.
Công trình nhà văn hóa thôn Kách Lang nằm ở vị trí trung tâm thôn, xây dựng hoàn thành vào tháng 8/2024. Từ khi có nhà văn hóa, các cuộc họp, chương trình văn hóa, văn nghệ trong thôn đều được tổ chức, sinh hoạt tại đây. Có nhà văn hóa khang trang, bà con nhân dân ai cũng phấn khởi. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ba Dinh Phạm Văn Chánh cho biết, dù còn nằm trong diện hộ nghèo nhưng anh Trin là người nhiệt tình và có tấm lòng thơm thảo, luôn nghĩ đến lợi ích chung. Diện tích đất mà anh hiến để làm nhà văn hóa thôn có giá trị lớn. Công trình này có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thôn Kách Lang.
Góp sức xây dựng quê hương
Xã Ba Thành (Ba Tơ) cũng là địa phương có nhiều cá nhân hiến đất xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng. Trong đó, có ông Phạm Văn Ụa, ở thôn Trường An là một trong những người đầu tiên hiến đất để làm nhà văn hóa thôn. Ông Ụa sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cả mẹ và cha của ông đều hy sinh trong kháng chiến, ông được người chú nhận nuôi từ nhỏ. Ông Ụa là người hiền lành, siêng năng lao động. Không có đất đai do cha mẹ để lại nên sau khi lập gia đình, ông cần cù, chịu khó khai hoang trồng mì, dứa...
Ông Phạm Văn Ụa, ở thôn Trường An, xã Ba Thành (Ba Tơ) cùng với cán bộ thôn trao đổi các công việc ở địa phương. |
Đến năm 2018, địa phương cần quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa thôn, ông Ụa lại có mảnh đất trồng dứa nằm ở vị trí trung tâm của thôn. Thế là không chút do dự, ông bàn với vợ và các con để hiến hơn 500m2 đất. “Tôi có đến 5 người con, lúc đó gia đình vẫn còn nằm trong diện cận nghèo, cuộc sống khó khăn. Dù các con cũng cần đất để an cư lạc nghiệp, phát triển kinh tế nhưng thấy thôn không có nhà văn hóa, không có nơi họp hành, sinh hoạt cộng đồng nên tôi trăn trở lắm. Với tinh thần vì việc chung và mong muốn xây dựng thôn xóm ngày càng phát triển nên tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với vợ và các con. May mắn là tôi nhận được sự đồng ý, ủng hộ của vợ, con. Các con tôi bảo, cha chia đất cho con cháu ít một chút cũng không sao, chúng con sẽ cố gắng lao động, tự lập như cha mẹ ngày trước”, ông Ụa bộc bạch.
Nhà văn hóa ở thôn Trường An, xã Ba Thành được xây dựng trên mảnh đất của gia đình ông Phạm Văn Ụa. |
Nhờ mảnh đất của ông Ụa mà mấy năm qua, người dân trong thôn có chỗ họp hành, sinh hoạt rộng rãi, đàng hoàng. Người dân trong thôn ai cũng vui mừng. Từ sự nêu gương của ông Ụa mà số hộ dân hiến đất làm trường, làm đường ở địa phương ngày càng nhiều. Người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới, tự nguyện đóng góp sức mình để xây dựng quê hương. Không ai bảo ai, mỗi khi có chủ trương làm đường hay các công trình ở địa phương, người dân tự nguyện phát dọn bờ rào, chặt cây cối, hiến đất, đóng góp ngày công để làm đường bê tông và các công trình dân sinh.
Chủ tịch UBND xã Ba Thành Phạm Thị Minh Đôi cho biết, không chỉ hiến diện tích đất lớn để làm nhà văn hóa, với vai trò là người uy tín của thôn Trường An, ông Ụa luôn đi đầu trong thực hiện việc làng, việc nước để mọi người noi theo. Nhờ sự tiên phong, đóng góp của ông mà những năm qua, phong trào tình nguyện hiến đất phục vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương rất sôi nổi, người dân luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, vì việc chung. Đặc biệt, ông Ụa tích cực tham gia hòa giải các vụ việc ở cơ sở. Từ sự đóng góp của những người như ông Ụa mà diện mạo thôn Trường An ngày càng khởi sắc, khang trang. Đường làng, ngõ xóm đều được mở rộng, bê tông sạch sẽ. Trẻ em được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, văn minh.
Bài, ảnh: HIỀN THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: