(Báo Quảng Ngãi)- Trời vào thu. Ở các cảng biển, nơi neo đậu tàu thuyền trong tỉnh, tàu san sát. Cờ Tổ quốc trên những con tàu bay phấp phới trong gió. Ngư dân hối hả tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản.
Hơn ai hết, những ngư dân đều hiểu rằng, lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng. Thế nên, bên cạnh việc đánh bắt hải sản, mỗi con tàu với cờ Tổ quốc tung bay góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông...
Tự hào cờ Tổ quốc
Sau phiên biển kéo dài 25 ngày đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, ngư dân Đoàn Ngọc Nhi (35 tuổi), ở thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông (Bình Sơn) đưa con tàu QNg 90505 TS cập bến Sa Cần, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), rồi chuyển cá lên bờ. Anh Nhi và bạn tàu chỉ nghỉ xả hơi vài bữa rồi lại ra khơi. Bạn tàu về thăm nhà, còn anh thì tranh thủ tiếp dầu, nước ngọt lên tàu, rồi liên hệ đại lý để mua gạo, mắm. Nhìn lá cờ Tổ quốc phai màu sau những phiên biển xa, trải qua bao nắng gió, anh vào ca bin lấy lá cờ mới treo trên cột buồm.
Anh Nhi chia sẻ, nhà tôi có ba đời đi biển, từ ông nội, cha, giờ đến tôi. Thời ông nội tôi, cuộc sống khó khăn nên chỉ sắm được con tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ, kiếm con cá, con tôm đắp đổi qua ngày. Đến đời cha tôi thì có tàu lớn hơn, làm nghề câu mực ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cờ Tổ quốc tung bay trên những con tàu ở cửa biển Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ). Ảnh: TRƯỜNG AN |
Cha của anh Nhi là ông Đoàn Ngọc Mai, có 40 năm làm nghề câu mực. Ông có 4 người con, trong đó 2 người con trai, mỗi người làm chủ một con tàu 600CV, nối nghiệp cha đánh bắt hải sản ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tàu đánh cá của các tỉnh rất nhiều. Tất cả đều treo cờ Tổ quốc trên nóc tàu. Giữa biển cả mênh mông, nhìn thấy cờ Tổ quốc trên những con tàu, ai cũng tự hào về quê hương, đất nước”, anh Nhi bộc bạch.
Còn ngư dân Đoàn Ngọc Long, em của anh Nhi bày tỏ, mỗi chuyến biển, ngoài việc chuẩn bị nhiên liệu và những vật dụng cần thiết, tàu của tôi luôn mang theo 10 lá cờ Tổ quốc. Phòng khi gió giật làm tưa rách lá cờ thì mình thay ngay. Có lá cờ là có niềm tin, là biết mình không đơn độc trên biển, dù biển có bao la dường nào...
Cột mốc chủ quyền
Rời vùng cửa biển Sa Cần, chúng tôi về vùng biển Cổ Lũy, xã Nghĩa An. Ngư dân Lê Văn Trà, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ, mỗi ngư dân, mỗi con tàu được xem là một cột mốc chủ quyền trên Biển Đông. Anh Trà kể lại cho chúng tôi nghe chuyện tàu của anh bị tai nạn, chết máy trên vùng biển Hoàng Sa, được tàu bạn giúp đỡ.
"Đánh bắt quanh năm trên biển có khi gặp sóng to gió lớn, ngư dân phải đối mặt nhiều hiểm nguy. Trong mịt mờ sóng nước, từ xa thấy con tàu với lá cờ Tổ quốc xuất hiện và di chuyển về hướng mình, ai cũng vui và ấm lòng. Bởi, khi đó con tàu nhận được tín hiệu cấp cứu từ cơ quan phòng, chống thiên tai, từ Icom cộng đồng ở đất liền đến ứng cứu tàu đang gặp nạn. Những lúc như thế, nghĩa tình đồng bào mới đẹp làm sao!", ngư dân Trà nói.
Tàu cá trở về cập cảng Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) sau phiên đánh bắt hải sản, trên nóc tàu cờ Tổ quốc luôn tung bay. Ảnh: TRƯỜNG AN |
Về vùng biển Quảng Ngãi, trong lễ ra quân đánh bắt vào dịp đầu năm, ngoài gạo, muối, nước, các nhu yếu phẩm khác, ngư dân còn đặt lá cờ Tổ quốc lên bàn thiêng, đốt nhang khấn vái, nguyện một lòng đánh bắt hải sản, góp phần giữ gìn nước non. Chủ tàu cá QNg 97765 TS Nguyễn Xê, ở thôn Tân An, xã Nghĩa An cho biết, tàu tôi hết đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì chuyển vào vùng biển quần đảo Trường Sa, nên hầu như quanh năm ở biển khơi. Mọi sinh hoạt đều ở trên tàu, nên anh em đều xem tàu là nhà, biển là quê hương. Sau nhiều năm đánh bắt, tàu được đưa về triền đà để tu sửa máy móc. Những lúc ấy, nhớ biển vô cùng. Nhớ lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió giữa biển khơi.
Thông qua chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, Báo Người Lao Động TP.Hồ Chí Minh đã trao tặng cho ngư dân ở Quảng Ngãi 10 nghìn lá cờ Tổ quốc. Món quà đầy ý nghĩa này là trao gửi yêu thương, tiếp cho ngư dân thêm sức mạnh, niềm tin vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. |
Lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho Tổ quốc trên những con tàu hiện diện nơi Biển Đông. Đó là điều thiêng liêng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Vậy nên mỗi khi ra khơi, các chủ tàu không bao giờ để lá cờ phai màu, cũ rách. “Cứ sau hai phiên biển là thay lá cờ mới. Nhìn lá cờ mới thấy con tàu mình sáng sủa, khí thế hẳn, đánh bắt hiệu quả hơn”, ngư dân Trương Tấn - Tổ trưởng tổ đánh bắt xa bờ thôn Tân An, xã Nghĩa An, chia sẻ. Tổ đội do ông Tấn làm Tổ trưởng có 17 tàu. Ngoài việc đoàn kết, giúp nhau trên biển, thực hiện các tiêu chí cam kết trong tổ đội, các chủ tàu treo cờ Tổ quốc như nhắc nhở mình có ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Báo Người Lao Động tặng cờ Tổ quốc cho các tàu cá của huyện Lý Sơn. Ảnh: XUÂN THIÊN |
Ngư dân Đỗ Văn Việt, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An cho biết, trong các buổi tuyên truyền về pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt là tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, BĐBP thường xuyên tặng cờ Tổ quốc cho các chủ tàu. Qua đó, ngư dân càng hiểu hơn mục đích, ý nghĩ của việc treo cờ Tổ quốc khi ra khơi.
TRƯỜNG AN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: