Tô thắm lá cờ Tổ quốc

09:40, 29/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng hải quân đã anh dũng hy sinh. Tên tuổi của các anh được khắc ghi tại Nhà truyền thống Trường Sa và được người dân cả nước ghi ơn. 

Trường Sa hôm nay xanh - đẹp là thành quả của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân đã đổ mồ hôi, công sức và cả xương máu để bảo vệ, xây dựng quần đảo. Nhiều người lính đã hy sinh, nằm lại Trường Sa khi tuổi đời còn rất trẻ. Các anh ra đi mang theo lời hẹn thề cùng bao dự định còn dang dở, nhưng để lại sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Biểu tượng Vòng tròn bất tử tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Biểu tượng "Vòng tròn bất tử" tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Gửi lại tuổi trẻ nơi đảo xa

Một ngày giữa tháng Bảy, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Tư và bà Trần Thị Bích Vân - thân nhân liệt sĩ Lê Văn Tính, sinh năm 1996, ở thôn Xuân Mỹ, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh). Ngôi nhà mát dịu bởi rợp bóng cây xanh. Nhìn dòng chữ trong Bằng “Tổ quốc ghi công” mà mắt tôi cay xè. "Liệt sĩ Lê Văn Tính, Trung úy Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 27/1/2023".  Trung úy Lê Văn Tính hy sinh vào ngày mùng 6 tết Quý Mão. Giữa lúc người người, nhà nhà đang nô nức đón Xuân, sum vầy đoàn tụ thì ở đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa, một người lính trẻ đã ngã xuống vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Chị Vân nói trong nước mắt, biết tôi sức khỏe yếu, lại hay lo lắng nên con chưa bao giờ nói đến chuyện đi làm nhiệm vụ trên các đảo tại quần đảo Trường Sa. Vậy nên, có khi vài tháng con mới gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình. Tôi nghĩ đó là đặc thù công việc, nên chỉ biết động viên con giữ gìn sức khỏe, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ. Ngày 1/7/2022, con gọi báo về là sẽ tham gia đợt huấn luyện mới, dặn ba mẹ yên tâm, lúc rảnh con sẽ chủ động liên lạc. Tôi đâu biết hôm ấy là ngày con lên đường ra đảo Sơn Ca làm nhiệm vụ, càng không bao giờ tin rằng đó là lần cuối cùng tôi được nhìn mặt con qua cuộc gọi video trên Zalo.

“Sáng ngày 27/1/2023, đúng mùng 6 tết Quý Mão, tôi cứ bồn chồn không yên, dự cảm có chuyện chẳng lành. Con hy sinh để lại nỗi đau khó mà nguôi ngoai. Bây giờ, mỗi lần nhớ con, tôi chỉ biết nhìn di ảnh con trong quân phục hải quân màu trắng”, bà Vân sụt sùi.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trao Quyết định và Bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ cho thân nhân liệt sĩ Lê Văn Tính.
Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân trao Quyết định và Bằng "Tổ quốc ghi công" của Thủ tướng Chính phủ cho thân nhân liệt sĩ Lê Văn Tính.

Mắt đỏ hoe, ông Tư tiếp lời, 10  năm trước, khi con thi đỗ vào Trường Sĩ quan tăng thiết giáp, gia đình tôi mừng lắm dẫu biết môi trường học tập và làm việc sau này sẽ khó khăn, vất vả. Ngày con tốt nghiệp ra trường, vì nhiệm vụ nên số lần về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lúc nghỉ chưa hết phép, con đã vội lên đường để kịp tập trung huấn luyện.

Ngày con báo tin được tổ chức phân công về Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, gia đình vừa mừng vừa lo. Mừng vì con ngày càng rắn rỏi và trưởng thành, lo vì nhiệm vụ giữ gìn biển, đảo luôn trắc trở và hiểm nguy. Mỗi khi nhận nhiệm vụ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Tính giấu ba mẹ, mà chỉ tâm sự với em trai Lê Công Tuấn, đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Sĩ quan tăng thiết giáp. “Dẫu biết hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc là vinh dự của người lính, nhưng tôi vẫn đau nhói trong lòng...”, ông Tư nghẹn ngào.

Tổ quốc mãi ghi ơn 

Những người lính ở Trường Sa luôn lặng thầm và vững vàng tay súng để bảo vệ và gìn giữ quần đảo thiêng liêng không tách rời của dân tộc Việt Nam. Trong chuyến công tác ra thăm quân và dân tại các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào đầu tháng 1/2024, tôi mới thấm thía phần nào những khó khăn, nhọc nhằn lẫn hiểm nguy của người lính đảo. Giữa muôn trùng sóng vỗ, các anh vẫn nở nụ cười rạng rỡ, vững niềm tin, chắc tay súng để Trường Sa ngày càng vững chãi và ngập tràn sắc xanh. Màu xanh ấy không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm, nghị lực vươn lên của quân và dân nơi đây, mà còn là biểu tượng của khát vọng hòa bình với chân lý “Biển này là của ta. Đảo này là của ta”.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, Trường Sa luôn trong trái tim tôi và những đồng đội. Máu xương các Anh hùng liệt sĩ đã hòa cùng biển khơi và ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử. Tổ quốc mãi khắc ghi và đời đời nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh cho tương lai tươi sáng của dân tộc. Chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để Trường Sa mãi bình yên”.

 Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Đại tá ĐỖ HẢI ĐĂNG

 

Đã có bao cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh để giữ Trường Sa vững vàng trước sóng gió. Tên tuổi các anh được khắc trên hai tấm bia đá đặt tại Nhà truyền thống Trường Sa tại đảo Trường Sa.

Thiếu tá Vũ Văn Thành - Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu số 3, đảo Trường Sa cho biết, mỗi khi đến Nhà truyền thống Trường Sa, nhìn hình ảnh, xem tư liệu từ trận đánh ngày 14/4/1975 đến trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, chúng tôi luôn dành một phút mặc niệm bày tỏ lòng thành kính tri ân đến những người đã ngã xuống để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của những người đi trước là lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hôm nay noi gương và tiếp bước.

Cán bộ, chiến sĩ tuần tra, bảo vệ vùng biển đảo thuộc quần đảoTrường Sa.
Cán bộ, chiến sĩ tuần tra, bảo vệ vùng biển đảo thuộc quần đảoTrường Sa.

Với người lính Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đâu chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sứ mệnh của người lính hải quân thời bình. Sứ mệnh ấy vẻ vang nhưng muôn phần gian khổ, thậm chí hy sinh xương máu. Dự Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ngay tại đảo Trường Sa, khi giai điệu “Hồn tử sĩ” bi hùng vang lên giữa biển khơi, mọi người đều rơi nước mắt.

Giây phút thiêng liêng ấy, giữa tiếng sóng biển rì rầm, chúng tôi như nghe văng vẳng đâu đây lời nói hào hùng, thể hiện tinh thần kiên trung và bất khuất của các Anh hùng liệt sĩ trước lúc hy sinh để bảo vệ Trường Sa: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:40, 29/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.