Ánh sáng của niềm tin

11:13, 18/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo. Những ai bị bệnh, khi  hóa chất truyền vào cơ thể sẽ làm nhức mỏi  xương khớp, tay chân rã rời, sức lực cạn kiệt. Dẫu biết rằng, bị căn bệnh này là đối mặt với cái chết, song cơ hội vẫn mở ra đối với những ai vững tin trong cuộc sống.

Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cơ sở 1.
Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cơ sở 1.

Rơi xuống vực sâu

Hơn 2 năm trước, những cơn đau nửa đầu bên phải khiến tôi ăn ngủ không yên. Tôi đến nhiều bệnh viện được các bác sĩ sử dụng thiết bị hiện đại khám rồi cho thuốc điều trị nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Rồi một ngày, tôi đến bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) để tìm ra căn bệnh. Chừng 2 giờ đồng hồ sau, bác sĩ đưa cho tôi kết quả chẩn đoán hình ảnh có nội dung bằng tiếng Anh nghi ngờ tôi bị ung thư vòm hầu. Tôi lặng người, cùng vợ trở lại phòng khám của một bác sĩ cùng quê. Sau khi nội soi, bác sĩ cho biết "khả năng ung thư" vòm hầu khá cao và động viên tôi lạc quan, đến Bệnh viện Chợ Rẫy lấy mẫu xét nghiệm.

Hơn tuần sau, vợ chồng tôi như rụng rời chân tay khi nhận được kết quả tôi bị bệnh ung thư, khối u nằm trong vòm họng. Chính khối u này chèn dây thần kinh gây nên chứng đau nửa đầu ngày càng trầm trọng. Tôi thực sự choáng váng, tưởng như rơi xuống đáy vực sâu. Cảm giác đớn đau tột cùng. Hình ảnh những người thân yêu lần lượt trôi qua trong tâm trí. Cơn đau dữ dội ập đến khiến tôi ôm lấy đầu, bước đi lảo đảo. Vợ tôi dìu chồng, gắng gượng động viên: "Đừng bi quan anh nhé! Các bác sĩ bảo việc điều trị có khả quan, anh sẽ khỏi bệnh".

Tác giả (bên phải) đang truyền hóa chất.
Tác giả (bên phải) đang truyền hóa chất.

Còn chị T.T.C (49 tuổi), quê ở Long An, "khóc như mưa" khi nghe bác sĩ bảo mình bị ung thư vú. Đầu óc rối loạn nên chị không nhớ lối dẫn ra đường để đón xe khách về lại quê nhà. Chồng chị an ủi vợ rồi dìu chị ra xe về lại quê nhà. Anh sắp xếp công việc gia đình rồi đưa vợ trở lại Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh để điều trị.

Những ngày sau đó vô cùng khủng khiếp đối với chị, dù chồng ở cạnh luôn động viên, lời lẽ ngập tràn yêu thương. Chị nuốt nước mắt vào lòng khi ở cạnh anh. Lắm khi, chị vào phòng vệ sinh khóc òa trong đau đớn. "Tôi không thể diễn tả cảm xúc khi hay tin mình mắc bệnh ung thư. Đau đớn lắm chú à! Cứ nghĩ mình sắp chết, bỏ lại cha mẹ, chồng con, khiến tôi không cầm được nước mắt...", chị C nhớ lại.     

Vượt qua đau đớn

Tôi được gia đình đưa vào điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cơ sở 2. Chứng đau nửa đầu ngày càng trầm trọng. Bệnh ung thư vòm hầu mà tôi mắc phải đã sang giai đoạn 4. Thuốc giảm đau vô tác dụng. Bất kể đêm ngày, cơ thể tôi quằn quại bởi những cơn đau. Đau đớn đến nỗi nhịp tim rối loạn, hơi thở đứt quãng. Những căn bệnh tiềm ẩn bộc phát khiến thân hình tôi tiều tụy, sụt mười cân so với trước đó. Chân bước không nổi, phải ngồi trên xe lăn khi di chuyển. Miệng không thể mở rộng nên phải truyền thức ăn qua ống hút. Mắt bên phải không còn nhìn thấy mọi vật xung quanh.

Niềm hy vọng của tôi và gia đình chợt lóe sáng khi hay tin sắp được hóa trị dẫu biết những tác dụng phụ hành hạ cơ thể. Sau khi truyền xong hóa chất, mọi người vội đưa tôi về nhà người anh bên vợ.  Chừng 3 tiếng đồng hồ sau, khớp xương nhức mỏi, tay chân rã rời, sức lực trong tôi dường như tiêu tan. Cơn đau kinh khủng ập đến khiến tôi phải gắng sức đưa hai tay lên đầu rồi bóp mạnh. Trong cơn mơ, tôi thấy mình rơi vào hố sâu hun hút, lửng lơ giữa vùng u tối. Ánh sáng xuất hiện khi tôi dần hồi tỉnh, bên cạnh là vợ cùng em trai và hai người anh bên vợ với gương mặt đầy lo lắng.

Tác giả (bên trái) cùng vợ và hai người anh đồng hành trong quá trình điều trị bệnh.
Tác giả (bên trái) cùng vợ và hai người anh đồng hành trong quá trình điều trị bệnh.

Đang ngồi trên ghế truyền hóa chất, chị N.T.H (56 tuổi), quê ở Bạc Liêu, co rúm người, mắt rớm lệ, cố sức chống chọi cơn đau. Hơn 10 năm trước, chị cùng chồng bế con thơ rời quê lên TP.Hồ Chí Minh mưu sinh. Hằng ngày, chị cưỡi xe đạp rong ruổi khắp phố phường mua ve chai rồi mang bán cho chủ vựa với thu nhập chẳng đáng là bao. Chồng chị xin vào phụ hồ tại các công trình xây dựng nhưng công việc ít khiến cuộc sống vô cùng khốn khó.

Hơn 3 năm trước, chị bàng hoàng khi bác sĩ báo tin mình bị ung thư vú. Tiếp đến, chồng chị bị tai biến nằm liệt tại phòng trọ. Không đủ chi phí nên việc điều trị của chị bị gián đoạn, ung thư di căn sang phổi. Hằng ngày, chị phải gồng mình chịu đựng những cơn đau giày vò cơ thể gầy còm. "Giờ vợ chồng tôi không làm gì được nên không có tiền. Con gái đi bán hàng ở siêu thị mỗi tháng được 6 triệu đồng, đủ trả tiền thuê trọ và ăn uống tằn tiện. Đau lắm nhưng phải ráng chịu thôi chú à!", chị H nghẹn ngào.

Vững tin vào cuộc sống

Mợ tôi từng bị ung thư và đã kiên cường chống chọi, điều trị khỏi bệnh từ 15 năm trước. Nghe tin tôi bị bệnh, mợ vượt chặng đường khá xa đến thăm, giọng chậm rãi: "Đừng lo lắng gì cả! Y học ngày càng phát triển, bác sĩ ngày càng giỏi, máy móc hiện đại, rồi con sẽ được chữa khỏi bệnh...". Người quen đang sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam cũng lặn lội đến thăm. Bạn bè, đồng nghiệp và bà con láng giềng điện thoại, nhắn tin thăm hỏi tôi. Mọi người gửi cho vợ chồng tôi những đồng tiền thấm đẫm nghĩa tình. Món nợ ân tình ấy tiếp thêm nghị lực giúp tôi vượt qua đau đớn. Tôi nhủ rằng phải cố sống để không phụ lòng thương yêu của mọi người. Những cơn đau ngày càng thuyên giảm, sức khỏe của tôi dần hồi phục trong sự vui mừng khôn xiết của những người thân yêu.

Năm 2023, Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận gần 800 nghìn lượt bệnh nhân đến khám. Bệnh viện thực hiện gần 37 nghìn ca phẫu thuật, hơn 180 nghìn ca xạ trị và gần 300 nghìn lượt điều trị nội khoa bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch. "Bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình và xã hội trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tỷ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng".

Tiến sĩ, bác sĩ DIỆP BẢO TUẤN -

Phó Giám đốc, Phụ trách điều hành

Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh

 

Chiều nọ, tôi cùng nhiều người chờ đến lượt khám bệnh, kiểm tra sức khỏe trước khi truyền hóa chất. Ông N.V.N (68 tuổi), ở Bình Dương, vỗ vai tôi, rồi chỉ vào câu khẩu hiệu gắn trên tường bệnh viện: "Kiểm soát ung thư - Vững tin cuộc sống". Đó là niềm động viên để ông vượt qua nỗi đau bệnh tật trong hàng chục năm qua. Hơn 12 năm trước, ông suy sụp tinh thần khi hay tin mình bị ung thư trung thất. Vợ và các con luôn ở bên cạnh an ủi, giúp ông yên lòng trị bệnh. Và rồi, bệnh của ông đã được kiểm soát sau những ngày điều trị khó nhọc. Ông luôn đến bệnh viện tái khám đúng hẹn theo lời căn dặn của bác sĩ. Giờ bệnh tái phát, ông bình thản đến bệnh viện điều trị, ân cần chuyện trò với mọi người.

"Tôi cũng như mọi người thôi. Sau khi vô hóa chất mệt lắm, thở không ra hơi. Dẫu có mệt hay đau đớn như thế nào đi nữa cũng không nên bi quan, buồn bã, phải ráng sức ăn uống để có sức khỏe điều trị. Có như vậy thì mới hy vọng khỏi bệnh...", ông N tâm sự.

Chiều muộn, tôi đi dọc hành lang bệnh viện và gặp một cháu bé bước chân run rẩy, đầu rụng hết tóc sau nhiều lần truyền hóa chất. Người mẹ trẻ dang hai tay sẵn sàng đỡ bé từ phía sau, gương mặt hốc hác bởi nhiều đêm mất ngủ để chăm con bạo bệnh. Người mẹ này cho biết, cháu bị ung thư não, nhiều khi quằn quại vì đau đớn. Những lúc như thế, chị ôm con vào lòng, lã chã khóc thương. Chị ước mình có thể gánh chịu nỗi đau thay con... Chợt, cháu bé quay lại ôm chân mẹ và cất tiếng cười vui làm vơi đi phiền muộn.

Bài, ảnh: TRANG THY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 11:13, 18/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.