(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nhận giấy báo nhập học của Trường Đại học Quy Nhơn, em Phạm Quốc Toản, nguyên học sinh lớp 12A, Trường THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ), gói ghém sách vở, vài bộ quần áo, đặc biệt là chiếc áo thổ cẩm - trang phục truyền thống của người Hrê, làm hành trang lên đường nhập học. Thông tin Toản đỗ thủ khoa đại học làm nức lòng đồng bào Hrê ở vùng cao này.
Niềm tự hào của đồng bào Hrê
Với tổng điểm xét tuyển đại học đạt 27,78 điểm, Phạm Quốc Toản trở thành thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Quy Nhơn. Ở ngôi trường thuộc vùng cao của tỉnh, thành tích của Toản là kỳ tích, là niềm tự hào của đồng bào Hrê.
Là thủ khoa của Trường Đại học Quy Nhơn, Phạm Quốc Toản trở thành niềm tự hào của đồng bào Hrê. Ảnh: NVCC |
Chàng trai đỗ thủ khoa đại học này có dáng người mảnh khảnh, nước da trắng. Toản là người con của núi rừng Ba Tơ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông có 2 anh em, ở thôn Krầy, xã Ba Tiêu. Ở nơi núi rừng xa xôi, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nay có học sinh đỗ thủ khoa của một ngôi trường đại học tốp đầu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên là điều hiếm có. Đặc biệt hơn Toản là người dân tộc thiểu số Hrê, vậy nên em trở thành niềm tự hào của đồng bào Hrê ở huyện miền núi này.
Ngày nhận giấy báo nhập học, Toản gói ghém sách vở, vài bộ quần áo, đặc biệt là chiếc áo thổ cẩm làm hành trang lên đường nhập học. Toản chia sẻ, em tự hào vì mình là người Hrê. Em mang theo trang phục truyền thống vào giảng đường đại học để luôn luôn nhớ rằng mình là đồng bào dân tộc Hrê, phải giữ gìn bản sắc quý báu của dân tộc mình.
Bố mẹ Toản đều làm nông. Thương cha mẹ nhọc nhằn, vất vả, sau giờ học ở trường, Toản phụ giúp bố mẹ lên nương, lên rẫy. Cuộc sống gia đình chỉ trông vào vài sào ruộng, rẫy mì, rẫy keo. Khó khăn là vậy, song ngôi nhà luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc bởi sự ngoan ngoãn, hiếu thảo của 2 anh em Toản. Toản chăm chỉ học tập, với hy vọng tương lai tươi sáng hơn. Em muốn mọi người thấy rằng, người Hrê cũng học rất giỏi và quyết tâm thay đổi cuộc đời bằng con chữ. Toản bảo rằng, hoàn cảnh gia đình cùng sự động viên của bố mẹ, thầy cô giáo là động lực để em ra sức học tập, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Toản cho biết, bản thân em không phải là học sinh suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Trên lớp, em tập trung lắng nghe bài giảng của các thầy, cô giáo, nắm vững kiến thức cơ bản. Học nhiều, học thuộc không bằng học ít nhưng nắm bắt được kiến thức quan trọng. Ngoài thời gian học tập trên lớp, em tìm hiểu thêm kiến thức trên Internet để nắm được những nội dung chính, kiến thức cốt lõi của bài học. Đặc biệt, Toản rất thích môn Lịch sử, thích tìm hiểu về cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Quyết tâm theo đuổi ước mơ, Toản đã lập cho mình một kế hoạch học tập và ôn thi hợp lý, khoa học để đạt được kết quả tốt nhất. Ngày nhận tin trúng tuyển đại học Toản rất vui mừng, nhưng không nghĩ mình là thủ khoa của trường.
Ngày vào nhập học tại Trường Đại học Quy Nhơn, Phạm Quốc Toản mặc chiếc áo thổ cẩm thể hiện niềm tự hào mình là người đồng bào dân tộc Hrê, ở huyện Ba Tơ. Ảnh: NVCC |
Mong ước trở thành thầy giáo
Toản tâm sự, tuy gia đình em không thuộc diện hộ nghèo, nhưng ở nơi vùng sâu, vùng xa, việc một gia đình nuôi con học đại học quả không dễ dàng. Em đã phải trăn trở rất nhiều khi đăng ký chọn trường đại học phù hợp, không phải lo học phí. Được các thầy, cô giáo, nhất là thầy chủ nhiệm nhiệt tình tư vấn, em đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Khoa Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Quy Nhơn, để theo đuổi ước mơ trở thành thầy giáo dạy môn Lịch sử.
Tập thể lớp 12A, Trường THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ) của Toản. Ảnh: NVCC |
Tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, Toản muốn góp phần giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó cho thế hệ tương lai. Chính các thầy, cô giáo đã truyền cho Toản niềm say mê học tập, động viên em vượt qua những khó khăn. Vậy nên, Toản cũng mong muốn trở thành thầy giáo, một giáo viên giỏi, để dạy dỗ, dìu dắt, chắp cánh ước mơ cho đàn em thân yêu trên chính quê hương mình.
Con đường phía trước còn rất gian nan, nhưng Toản luôn tự nhủ sẽ luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để biến ước mơ thành hiện thực. “Các bạn hãy tự tin, cố gắng vượt qua hoàn cảnh, hãy dám ước mơ và theo đuổi ước mơ”, Toản nhắn nhủ đến các bạn học sinh là người dân tộc thiểu số.
Phía trước vẫn còn nhiều ngọn núi tri thức cần phải chinh phục, Toản vẫn đang nỗ lực từng phút, từng giây trên hành trình lĩnh hội và chinh phục tri thức. Hành trình chinh phục ước mơ, khát vọng và trở thành thủ khoa của Toản là câu chuyện đẹp về tinh thần hiếu học. Với sự nỗ lực, quyết tâm cùng với niềm đam mê khám phá tri thức, Phạm Quốc Toản là tấm gương sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như các bạn trẻ trên quê hương núi Ấn - sông Trà học tập và noi theo.
ÁI KIỀU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: