(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 18/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 19 “về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chỉ thị đã tác động và làm chuyển động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác chuyển đổi số.
Chỉ đạo quyết liệt
Ngay sau Chỉ thị 19 được ban hành, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 11, với những quy định về thu phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, giảm 50% mức phí, lệ phí khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã ban hành hơn 60 văn bản (quyết định, kế hoạch, công văn, thông báo kết luận...) để chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Đồng thời, tham mưu Ban Cán sự đảng trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 13 ngày 6/9/2023 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị 29, ngày 24/4/2023 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai phổ cập chữ ký số và giao dịch điện tử trên địa bàn tỉnh. |
Năm 2023, tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số với 6 chuỗi sự kiện nổi bật, thu hút sự tham gia của hơn 1.000 lượt người. Trong đó có đại diện Bộ TT&TT, một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố khu vực miền Trung; sự tham gia của các chuyên gia về chuyển đổi số trong nước và các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. |
Những chỉ thị, nghị quyết và các quyết định, kế hoạch của tỉnh rất đồng bộ, thể hiện quyết tâm cao đã tạo làn sóng chuyển động mạnh mẽ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương bước đầu đã ứng dụng dữ liệu số trong quản lý, điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, cổng thông tin điện tử, thư điện tử, quản lý văn bản và điều hành dùng chung đã triển khai đồng bộ đến cấp xã, liên thông văn bản điện tử giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước trong tỉnh đã góp phần bảo đảm thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh. Kinh tế số, xã hội số của tỉnh từng bước hình thành và phát triển; nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số, người dân đã đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điểm nổi bật trong năm là hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã thực hiện kết nối, tích hợp với 14 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của bộ, ngành.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, việc thực hiện Chỉ thị 19 đã có những chuyển biến tích cực, dần trở thành hành động cụ thể. Huyện đã đạt nhiều chỉ tiêu và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Nổi bật là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả thiết thực, góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo sự minh bạch và hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính.
Chuyển biến tích cực
Sự thay đổi về nhận thức của người đứng đầu, lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột. Đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, cách làm việc của người dân...
Người dân bắt đầu hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. |
Nếu như cuối năm 2022, dịch vụ công trực tuyến cấp xã gần như “trắng” thì tháng 12/2023 nhiều địa phương, dịch vụ công trực tuyến đạt tới 90%. Năm 2023, toàn tỉnh thanh toán khoảng gần 101 tỷ đồng, với hơn 86 nghìn giao dịch; qua đó giúp tỉnh Quảng Ngãi luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về thanh toán trực tuyến trong cả nước. Đây là kết quả của sự phát huy vai trò, hiệu quả của Tổ Công nghệ số cộng đồng các cấp và cho thấy người dân trong tỉnh đã bắt nhịp với chuyển đổi số; từng bước hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống, làm việc hằng ngày.
Chị Phạm Thị Minh Tuyết, ở phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) cho biết, nhiều người dân ở đây đã quen với việc thực hiện các thủ tục hành chính trên mạng. Ở khu vực tôi sinh sống, hầu hết các gia đình đều có Internet, điện thoại thông minh. Riêng bản thân tôi, khi có giao dịch mua bán gì đều thực hiện thanh toán qua thẻ, qua app chứ không dùng tiền mặt như trước.
Từ vị trí 60 của năm 2021, Quảng Ngãi tăng vọt lên vị trí 26 trong số 63 tỉnh, thành phố năm 2022 và đây là mức tăng bậc cao nhất cả nước. Kết quả ấn tượng xuất phát từ nỗ lực lớn, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sự đồng hành tham gia của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh khẳng định, xác định chuyển đổi số là điều tất yếu và sẽ tác động mạnh mẽ vào phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo tỉnh đã chú trọng và khởi động sớm bằng các chủ trương, chính sách. Quyết tâm chính trị khi phù hợp với thực tế và xu hướng sẽ tạo ngay sự chuyển động trong cuộc sống và tạo đà để Quảng Ngãi chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, bền vững.
Hướng đến nhóm khá trong cả nước
Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm khá về Chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Để đạt mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết riêng cho chuyển đổi số. Đó là Nghị quyết 13 ngày 6/9/2023 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, như khẳng định một lần nữa ý chí chính trị và quyết tâm cao của tỉnh đối với công tác này. Nghị quyết xác định 6 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: Nông nghiệp; giáo dục; y tế; du lịch; tài nguyên và môi trường, quản lý đô thị; giao thông vận tải, logistics; an ninh, an toàn xã hội; đồng thời, đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Nhiệm vụ, giải pháp được Tỉnh ủy xác định đầu tiên là phải chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số. Cùng với đó là xây dựng thể chế, chính sách, nguồn lực cho chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số; chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin mạng. Phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, triển khai trên nhiều phương thức truy cập khác nhau; trên 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Bài, ảnh: THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: