Thực hiện Đề án 06: Sớm khắc phục những tồn tại

14:39, 06/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai Đề án 06 và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. 

Nhân viên BIDV Chi nhánh Dung Quất hỗ trợ người dân mở tài khoản ngân hàng để thuận lợi trong thanh toán trực tuyến. ẢNH: TĐ

Chuyển biến tích cực 

Xác định việc thực hiện Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và công dân số trong thời đại công nghệ. Điều đáng mừng là người dân đã tiếp cận công nghệ, thực hiện nhiều TTHC thông qua các ứng dụng. “Trước đây khi chưa thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng, hằng tháng, tôi phải chở ba tôi đã hơn 90 tuổi ra UBND xã nhận tiền, rất vất vả. Từ khi thực hiện việc chi trả qua tài khoản ủy quyền, việc nhận tiền trợ cấp hằng tháng của ba tôi thuận tiện hơn”, ông Nguyễn Xuân, ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) cho biết.

Hiện nay, đa phần người dân khi khám, chữa bệnh BHYT đã sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID. Số lượng, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến được nâng lên. Tỉnh đã kết nối thành công với Kho quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã hoàn thành việc liên thông, kết nối với phần mềm Dịch vụ công của Bộ Công an để phục vụ việc thực hiện các TTHC liên thông. Hoàn thành việc thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện và hoàn thành vượt chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 do Bộ Công an giao.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế 

Theo đánh giá của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án 06. Đó là, hệ thống phần mềm dịch vụ công liên thông đồng bộ chậm; hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch và quản lý lý lịch tư pháp thường xuyên mất kết nối, quá tải, ảnh hưởng đến việc giải quyết TTHC. Một số người dân không có mặt tại địa phương, đi làm ăn xa nên không thể liên hệ để kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Nhiều công dân bị sai số điện thoại ảnh hưởng đến chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Hiện không thực hiện được 2 nhóm TTHC liên thông thiết yếu là khai sinh, khai tử đối với địa bàn huyện Lý Sơn do đơn vị hành chính không có cấp xã...

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được trong quý III/2023, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung khắc phục các hạn chế mà Tổ công tác Đề án 06 tỉnh qua kiểm tra đã chỉ ra. Trong đó, tập trung nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; số hóa hồ sơ TTHC; làm sạch dữ liệu thuế, giáo dục; thu thập thông tin người lao động và thu nhận hồ sơ, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. UBND huyện đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH huyện có giải pháp tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội và ít nhất có 50% địa bàn cấp xã triển khai. Phấn đấu hoàn thành việc thu thập và cập nhật thông tin người lao động trước ngày 15/11/2023. Các xã phối hợp với công an phấn đấu trong năm 2023 có 60% công dân từ đủ 14 tuổi được cấp tài khoản định danh điện tử và tỷ lệ kích hoạt đạt tối thiểu 95%.

BÁ SƠN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:39, 06/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.