(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có và phát triển nhanh tổ công nghệ số cộng đồng đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh.
Đào tạo, tập huấn kỹ năng số
Một trong những khó khăn trong thực hiện CĐS của tỉnh là thiếu hụt trầm trọng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) có trình độ chuyên môn sâu. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 100 công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm trong lĩnh vực CNTT thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Gần 100% UBND xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT. Những con số trên cho thấy nguồn nhân lực nòng cốt để thực hiện CĐS của tỉnh còn khá mỏng. Mặt khác, các quy định về chính sách thu hút, cơ chế hỗ trợ dành cho cán bộ làm nhiệm vụ CĐS chưa được cụ thể hóa nên khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cán bộ VNPT Quảng Ngãi hướng dẫn cài đặt dịch vụ VNPT Smartca cho cán bộ, công chức của tỉnh. |
Để khắc phục những hạn chế này, Quảng Ngãi đã kịp thời ban hành các kế hoạch và đẩy mạnh thực hiện công tác bồi dưỡng, tập huấn về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) và phổ cập kỹ năng số. Trong 9 tháng năm 2023, có hơn 519 nghìn lượt CB, CC, VC và người dân trên địa bàn tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về CĐS, phổ cập kỹ năng số, đạt khoảng 71,27% trên tổng số người dân trong độ tuổi lao động. Trong đó, có hơn 23 nghìn CB, CC, VC tham gia ít nhất 1 đợt bồi dưỡng, tập huấn về CĐS, đạt 100%. Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng số cho hơn 2.100 lượt cán bộ CB, CC, VC thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các cấp và hơn 81 nghìn người dân trên toàn huyện. Nhờ đó, nhận thức về CĐS của đội ngũ CB, CC, VC, đặc biệt là người dân được nâng lên rõ rệt. Huyện đang tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm như tổ chức các hội nghị, hội thảo nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp về CĐS; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CB, CC, VC về kỹ năng số; tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức của cán bộ, thay đổi thói quen, hành vi và tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về CĐS...
Đến nay, 100% UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai và tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng số cho CB, CC, VC và người dân. Qua các chương trình tập huấn có hơn 252 nghìn lượt người được tập huấn và hướng dẫn. Tiêu biểu như TP.Quảng Ngãi đã tổ chức 5 lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng số cho hơn 3.600 lượt CB, CC, VC và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các cấp. Thị xã Đức Phổ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 1.200 CB, CC, VC của các cơ quan, đơn vị và thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng; tập huấn trực tuyến cho 8.000 người là giáo viên và học sinh THCS trên địa bàn...
Quảng Ngãi là điểm sáng trong việc thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, xã. Hiện toàn tỉnh có 1.141 tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 7.500 thành viên. Đây là lực lượng "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiệu quả sử dụng công nghệ số. Trong chiến dịch đợt cao điểm 30 ngày đêm về thúc đẩy, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã ra quân hướng dẫn cho hơn 60 nghìn người dân về kỹ năng khai thác và sử dụng các nền tảng số.
Quảng Ngãi còn được Ủy ban Quốc gia về CĐS đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác tập huấn kỹ năng số với nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức Hội thi sân khấu hóa tuyên truyền cải cách hành chính; bồi dưỡng về kỹ năng số trực tuyến trên chuyên trang CĐS tỉnh Quảng Ngãi; đào tạo khóa học online “Kiến thức CĐS hỗ trợ Đề án 06”; tổ chức khóa học đầu tiên về dịch vụ công trực tuyến, thu hút hơn 220 nghìn lượt người tham gia; tổ chức Cuộc thi video clip về Tổ Công nghệ số cộng đồng lần thứ 1- 2023, thu hút hơn 400 nghìn lượt tương tác...
Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh ban hành đã Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 28/4/2022 thực hiện Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và CC, VC, người lao động các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện CĐS; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình CĐS; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trong tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, CC, VC và người lao động trong cơ quan nhà nước hằng năm được tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng số, công nghệ số. Hằng năm, có 100% cán bộ chuyên trách CĐS, CNTT được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về công nghệ số. Đến năm 2030, 90% người dân trong độ tuổi lao động của tỉnh biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tham dự lớp tập huấn do Sở TT&TT tổ chức. |
Để đạt được các mục tiêu trên, Quảng Ngãi đang tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, ngoài nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức về CĐS, ưu tiên nhất vẫn là thực hiện nhóm các nhiệm vụ về phổ cập kỹ năng CĐS như tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và nhóm các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực CĐS. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực vào lĩnh vực này...
Bài, ảnh: THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: