Truyền thông giảm nghèo bền vững

09:58, 19/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về giảm nghèo bền vững.

Vườn dừa của anh Hồ Ngọc Khang, ở xã Trà Tân (Trà Bồng) được phát triển từ sự hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.  Ảnh: PV
Vườn dừa của anh Hồ Ngọc Khang, ở xã Trà Tân (Trà Bồng) được phát triển từ sự hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.  Ảnh: PV

Tại huyện Trà Bồng, bên cạnh triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương cho biết, huyện xác định công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm.

Thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2022 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) là 9,11%, đến cuối năm giảm còn 7,8%. Trong đó, các huyện nghèo giảm từ 43,93% xuống còn 38,61%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (trong tổng số hộ dân tộc thiểu số) từ 41,59% giảm xuống còn 35,46%. Ước tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2023 giảm còn 6,68%.

Cụ thể là thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các chính sách hỗ trợ người dân thiếu vốn, thiếu đất sản xuất; đề án phát triển giáo dục; biểu dương các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương điển hình thoát nghèo để nhân rộng trong cộng đồng dân cư...  

"Thông qua hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” hỗ trợ người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2022 giảm còn 37,09%", ông Đỗ Đình Phương cho hay.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hữu Dũng nhận định, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo được thực hiện với nhiều hình thức. Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tuyên truyền thúc đẩy phong trào thi đua “Quảng Ngãi chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố. Tổ chức tuyên truyền về công tác giảm nghèo thông qua các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với nhân dân, giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp với cử tri. Từ đó, các dự án, chính sách giảm nghèo đã đi vào thực tiễn, người dân đã dần thay đổi nhận thức, tích cực lao động sản xuất để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 13 lớp tập huấn về các dự án, nội dung Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững... cho gần 1.200 cán bộ cấp huyện, xã và trưởng thôn trên địa bàn tỉnh, sau đó triển khai rộng rãi đến người dân. Anh Hồ Ngọc Khang, ở thôn Trường Giang, xã Trà Tân (Trà Bồng), một trong những hộ dân được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng dừa chia sẻ, gia đình tôi và người dân trong thôn thường xuyên nghe tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Từ đó giúp chúng tôi nâng cao nhận thức, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. 

VŨ YẾN

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:58, 19/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.