Hòa giải ngay từ cơ sở

10:38, 18/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động hòa giải ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào việc xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu đơn thư khiếu nại vượt cấp, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Hòa giải thành nhiều vụ, việc

Tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), các tổ hòa giải ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong cộng đồng, khu dân cư. Đơn cử tại thôn Hà Trung, tháng 2/2024, người dân phản ánh về việc gia đình bà N.T.V chăn nuôi heo trong khu dân cư mà không xây dựng hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của những hộ dân xung quanh. Ngay sau khi nhận được thông tin, tổ hòa giải tìm hiểu vụ việc, đến nhà bà V giải thích, tuyên truyền, vận động, nên gia đình bà V đã đồng ý khắc phục, không để nước thải chăn nuôi chảy ra khu dân cư. Sau 10 ngày, thành viên tổ hòa giải đến kiểm tra và thấy gia đình bà V đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải như đã cam kết. Mâu thuẫn giữa các hộ gia đình được hóa giải, hàng xóm láng giềng vui vẻ và nhanh chóng quên đi những khúc mắc.

Tổ hòa giải thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân.
Tổ hòa giải thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân.

Nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải, Trưởng thôn Hà Trung Nguyễn Đức Công chia sẻ, công việc hòa giải ở cơ sở khá phức tạp. Trước mỗi vụ việc, chúng tôi luôn phải bàn bạc, thảo luận kỹ để tìm ra phương án hòa giải phù hợp. Nhờ kinh nghiệm tích lũy, cùng với việc được tham gia tập huấn, nên các thành viên linh hoạt, khéo léo để giải quyết các vụ việc theo hướng “chuyện to hóa nhỏ”, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. 

Theo Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Sơn Tịnh Võ Tấn Hồng, mỗi năm, huyện Sơn Tịnh tổ chức hòa giải trên 200 vụ, việc; tỷ lệ hòa giải thành hơn 85%. Việc phát sinh các mâu thuẫn trong cuộc sống là không thể tránh khỏi. Để giảm thiểu những vụ việc, các mâu thuẫn trong nhân dân được giải quyết kịp thời, giải pháp về lâu dài là nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức “thượng tôn pháp luật”, kỹ năng ứng xử văn minh... cho người dân. Đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải cho 100% hòa giải viên tại cơ sở.

Nâng cao chất lượng công tác hòa giải

Hiện nay, toàn tỉnh có 971 tổ hòa giải, với 6.829 hòa giải viên cơ sở. Qua thống kê của Sở Tư pháp, tính đến ngày 31/5/2024, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 949 vụ, việc và hòa giải thành 755 vụ, việc (gần 80%). Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Vĩnh Lạc cho biết, để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục đi vào chiều sâu, ngành tư pháp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho hòa giải viên. Phát huy tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó là, kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới...

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tăng số lượng vụ việc hòa giải thành tại cơ sở, giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước. Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kế hoạch cũng đề ra chỉ tiêu là, phấn đấu có tối thiểu 1 tập huấn viên cấp tỉnh/100 tổ hòa giải ở cơ sở; tối thiểu 1 tập huấn viên cấp huyện/80 tổ hòa giải ở cơ sở. Có 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu đảm bảo chất lượng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên toàn tỉnh đạt từ 85% trở lên; có ít nhất 5% đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình "cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở"...

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:38, 18/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.