Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

06:11, 18/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, đội ngũ hòa giải viên (HGV) trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Chất lượng, kỹ năng hòa giải được nâng lên, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần củng cố khối đoàn kết trong nhân dân, hỗ trợ chính quyền địa phương giữ vững trật tự an toàn xã hội.
[links()]
Hóa giải mâu thuẫn
 
Tại phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình đều được HGV của tổ dân phố vào cuộc giải quyết hợp tình, hợp lý. Để làm tốt hoạt động hòa giải, các thành viên trong tổ HGV tự tìm hiểu về pháp luật, nhất là những văn bản luật liên quan đến đời sống nhân dân như hôn nhân và gia đình, đất đai, bình đẳng giới... để tuyên truyền, giải thích cho người dân. 
 
Công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) tiếp nhận và trao đổi một vụ việc ở cơ sở.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) tiếp nhận và trao đổi một vụ việc ở cơ sở.
 
Đơn cử như việc tranh chấp quyền sử dụng đất của bà N.T.H.Đ và ông H.Q.K. Sau khi nhận đơn của bà Đ, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo chỉ đạo công chức tư pháp - hộ tịch và công chức địa chính - xây dựng của phường phối hợp với cán bộ tổ dân phố tiến hành kiểm tra, đo đạc hiện trạng xây dựng tường rào của ông K. Qua tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, lắng nghe tâm tư của hai bên, các "hòa giải viên" đã phân tích rõ đúng sai sự việc cho ông K và bà Đ, nhờ đó mâu thuẫn được hóa giải.
 
Tổ trưởng tổ dân phố 4 kiêm Tổ trường Tổ hòa giải Võ Văn Cảnh cho hay: "Thông thường mỗi bên tranh chấp đều đưa ra lý lẽ để chứng minh rằng mình đúng. Do đó HGV phải thực sự khách quan, công minh. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các bên đặt lòng tin vào HGV và cùng nhau giải quyết vụ việc. Các thành viên tổ hòa giải và cán bộ tổ dân phố cần sâu sát địa bàn, nắm tình hình để ngăn ngừa, giải quyết tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh".
 
Trưởng phòng Tư pháp TP.Quảng Ngãi Nguyễn Thành Duyên cho biết: Công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp. Thực tiễn hoạt động hoà giải đã khẳng định ý nghĩa trong việc tuyên truyền hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về chấp hành pháp luật, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
 
Xây dựng tổ hòa giải rộng khắp
 
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.280 tổ hòa giải, với 8.621 HGV ở cơ sở. Các tổ hòa giải trong tỉnh về cơ bản có đầy đủ các thành phần quân dân chính ở thôn, tổ dân phố, những người có uy tín, am hiểu pháp luật tham gia. Mỗi tổ hòa giải đều có từ 3 đến 7 HGV, tùy theo đặc điểm, địa bàn, khu dân cư.
 
Để đội ngũ HGV hoạt động hiệu quả, các xã, phường, thị trấn luôn chú trọng thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở như xây dựng tổ hòa giải; xác định rõ trách nhiệm của mặt trận và chính quyền các cấp trong tổ chức hoạt động này... Nhờ đó, số lượng các tổ hòa giải và HGV ngày càng được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Mặt khác, do đời sống xã hội ngày càng phát triển, các loại vụ việc tranh chấp ngày càng đa dạng và phức tạp, nên số vụ việc hòa giải thành đạt trung bình từ 75 - 80% và một số huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao, đạt 100%.
 
Tuy nhiên, công tác hoà giải vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế. Đó là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa thể tham mưu đắc lực cho UBND cùng cấp trong hoà giải ở cơ sở; còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự chỉ đạo của cấp trên; chưa chủ động tìm mô hình hòa giải ở cơ sở phù hợp để tham mưu cho địa phương thực hiện hiệu quả; việc kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải khi có thay đổi nhân sự chưa kịp thời... Những tồn tại, hạn chế này cần sớm khắc phục để công tác hòa giải  ở cơ sở ngày càng nâng cao chất lượng.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 

.