An toàn giao thông nông thôn, miền núi: Còn nhiều nỗi lo

14:15, 27/05/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, thời gian qua tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số vụ TNGT ở khu vực nông thôn, miền núi nhiều nơi vẫn còn khá “nóng”, đòi hỏi ngành chức năng cần có những giải pháp kéo giảm kịp thời.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp, ngành, đóng góp của nhân dân, hệ thống giao thông trong toàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn, miền núi nói riêng được đầu tư đồng bộ, góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở các tuyến đường khu vực nông thôn, miền núi vẫn còn diễn biến phức tạp. Thậm chí ở nhiều địa phương, TNGT tăng cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương), thiệt hại không nhỏ về tài sản.

Trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 98 vụ TNGT đường bộ, làm chết 40 người, bị thương 79 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 481 triệu đồng. So với quý I/2023, tăng 18 vụ, tăng 10 người bị thương. Trong đó, tình hình TNGT trên địa bàn huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tịnh và huyện Tư Nghĩa tăng cao cả 3 tiêu chí. 

Tình trạng người dân nông thôn điều khiển xe máy tham gia giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm khá phổ biến.
Tình trạng người dân nông thôn điều khiển xe máy tham gia giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm khá phổ biến.

Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, có 21/98 vụ TNGT xảy ra trên đường nông thôn và 16/98 vụ TNGT xảy ra trên đường Tỉnh lộ. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế như: Chạy quá tốc độ; đi sai phần đường, làn đường; uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

Thực tế cho thấy, các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư mới, đường nhựa, đường bê tông được phủ đến từng thôn, xóm. Giao thông đi lại thuận lợi hơn, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, xe máy trở thành phương tiện rất thông dụng. Tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của một bộ phận không nhỏ của người dân còn hạn chế, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. 

Trên các tuyến đường dễ nhận thấy những vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người dân, như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia, đặc biệt là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu của một số thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô... rất dễ gây ra TNGT.

 
Việc phơi nông sản trên các tuyến đường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Việc phơi nông sản, chăn thả gia súc trên các tuyến đường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Một nguyên nhân nữa là ở khu vực nông thôn, miền núi thường có nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được xây dựng với rất nhiều đường nhánh tạo thành những vị trí giao nhau rất nguy hiểm. Trong khi đó, các tuyến đường tại khu dân cư thường hẹp, tầm nhìn bị che khuất nên khi gặp tình huống bất ngờ rất khó kịp thời xử lý.

Ngoài ra, sự kết nối giữa một số tuyến đường giao thông nông thôn với quốc lộ, tỉnh lộ vẫn chưa có sự đồng bộ, hợp lý, cũng như chưa tạo được sự an toàn, thông suốt trên toàn tuyến. Vì thế, chỉ cần sơ suất nhỏ, người tham gia giao thông có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào.

Để không còn nỗi lo

Ba Tơ là một trong những địa phương trong quý I/2024 có TNGT tăng cao cả 3 tiêu chí, để kéo giảm TNGT trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT kết hợp với tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Theo lãnh đạo huyện Ba Tơ, hiện nay đa số người dân địa phương cơ bản đã biết và hiểu một số quy định Luật Giao thông đường bộ nhưng vẫn cố tình vi phạm, từ đó có thể thấy cần phải thay đổi nhận thức mới có thể thay đổi hành vi của người dân. Vì vậy, một trong những giải pháp trọng tâm hiện nay là phải nâng cao tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT cho người dân, nhất là đối tượng học sinh, thanh thiếu niên bằng nhiều hình thức đa dạng, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, địa bàn.

Cùng với công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Ban giám hiệu các trường học vận động các gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; đồng thời lấy ý kiến phụ huynh để thống nhất phương án cho các em học sinh đi học bằng xe buýt hoặc xe hợp đồng, để giảm lưu lượng học sinh đi xe máy, hạn chế TNGT.

Để kéo giảm tình hình tai nạn giao thông cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.
Để kéo giảm tình hình tai nạn giao thông cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân.

Để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại khu vực nông thôn, miền núi nói riêng, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT, kỹ năng tham gia giao thông an toàn để nâng cao ý thức của người dân; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Kiểm tra, rà soát xác định các điểm mất ATGT trên địa bản quản lý; lắp đặt bổ sung biển báo, thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý. 

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, có biện pháp phát hiện, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Việc kiểm soát ATGT ở khu vực nông thôn, miền núi cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phát huy vai trò của các lực lượng, các đoàn thể chính trị, xã hội, nhất là già làng, trưởng thôn, xóm, người uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật về ATGT. Cùng với đó, trên các tuyến đường có được bình yên hay không, phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành quy tắc giao thông của mỗi người dân. Chính vì vậy, mỗi người dân cần nêu cao vai trò trách nhiệm, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông, tất cả vì sự sống, sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 14:15, 27/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.