Thanh niên lên núi lập nghiệp

16:46, 28/08/2024
.
a
 

(Baoquangngai.vn)- Sau nhiều năm tha hương mưu sinh, nhiều thanh niên ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đã trở về quê lập nghiệp.

 
CẦN TINH THẦN VƯỢT KHÓ
 
Chúng tôi tìm gặp anh Đỗ Quang Lâm (37 tuổi), ở thôn Kim Thành Thượng, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) để nghe anh kể chuyện khi quyết định trở về quê lập nghiệp. Trang trại của anh Lâm trên triền núi Giông Dứa, cách trung tâm xã hơn 7km. Trong khu vườn rợp bóng cây xanh, anh Lâm hào hứng kể về hành trình lập nghiệp của mình. Tốt nghiệp THPT, anh nhập ngũ, sau khi hết thời gian nghĩa vụ quân sự, anh vào tỉnh Bình Dương mưu sinh bằng nhiều ngành nghề. Sau khi lập gia đình, 2 vợ chồng anh tiếp tục bám trụ nơi đất khách quê người để lập nghiệp. 
 
Sau nhiều năm rời quê vào phương Nam mưu sinh, vào năm 2020, anh Đỗ Quang Lâm (37 tuổi), ở thôn Kim Thành Thượng, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đã về quê, lên núi lập nghiệp.
Anh Đỗ Quang Lâm (37 tuổi), ở thôn Kim Thành Thượng, xã Hành Nhân quyết định về quê lập nghiệp.

Tuy nhiên, sau bao năm bôn ba nơi đất khách quê người, anh nhận thấy quê hương mình còn rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Vì thế, năm 2020, vợ chồng anh quyết định trở về quê, lên núi lập nghiệp với mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng trên chính diện tích 5ha đất trồng keo của gia đình. Trên diện tích đất này, gần 15 năm trước, bố anh Lâm đã dành 1ha để trồng cây cau.

 
Anh Lâm dựng 3 khu chuồng trại để nuôi dê và gà.
Khu chăn nuôi của anh Lâm.

Không quản ngại mua nắng, vợ chồng anh Lâm ngày ngày lên núi phát rẫy, đầu tư lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời, hệ thống dẫn nước từ đầu nguồn về. Phát dọn đến đâu, anh trồng các loại cây ăn quả đến đó. Chỉ sau vài năm, các loại cây ăn quả như: Chuối mốc, mít thái, bưởi da xanh, sầu riêng, dừa xiêm… đã phủ xanh tươi tốt khắp vườn. Ngoài ra, anh còn dựng 3 khu chuồng trại để nuôi dê, nuôi gà; đào 2 cái ao để nuôi cá chim, cá trắm cỏ.

Hiện nay, ngoài nguồn thu nhập từ cây cau, đến nay, anh đã có nguồn thu nhập từ cây ăn quả, vật nuôi. Năm 2023, trừ chi phí, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Tuy nguồn thu nhập từ trang trại chưa cao, nhưng anh rất vui vì bước đầu đã thành công với mô hình này. 
a
 

Anh Lâm tâm sự, về quê lên núi lập nghiệp ngoài sức trẻ, khát vọng, còn phải kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tính toán hợp lý với nguồn vốn ít ỏi. Sau 4 năm lập nghiệp, anh không còn canh cánh nỗi lo cơm áo, gạo tiền như những ngày xa phương mưu sinh và được gần gũi gia đình, chăm sóc bố mẹ, con cái. 

 
Xem video:

 

QUYẾT TÂM LÀM NÔNG NGHIỆP SẠCH
 
Rời trang trại của anh Lâm, chúng tôi đến trang trại của anh Nguyễn Đức Hiền (42 tuổi), ở triền núi Bé, thôn Kim Lập, xã Hành Nhân. Anh cũng là thanh niên bỏ phố về quê lập nghiệp, với mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
 
Từng tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, anh Hiền có gần 10 năm làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Câu chuyện rời phố về quê lên núi lập nghiệp của anh Hiền bắt đầu từ 9 năm trước, năm ấy anh tròn 33 tuổi. 
 
Anh Nguyễn Đức Hiền, ở thôn Kim Lập, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) cũng bỏ phố về quê lập nghiệp với mô hình phát kinh tế nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Anh Nguyễn Đức Hiền, ở thôn Kim Lập, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) bỏ phố về quê lập nghiệp với mô hình phát kinh tế nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

 

Nhận thấy vùng đất này có tiềm năng trồng cây ăn quả, nhưng lại thiếu nước tưới vào mùa hè. Lúc này, gia đình anh Hiền có 1ha đất trồng cây keo và anh đầu tư mua thêm 1 ha. Với kiến thức, khát vọng của tuổi trẻ kết hợp với sự ủng hộ của gia đình, anh Hiền quyết định phá rừng keo, chuyển thành vườn cây cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi. Đây cũng là trang trại đầu tiên trên vùng đất này. 
 
Anh Hiền dành 1ha trồng cây tiêu, còn lại trồng các loại cây ăn quả như: Bơ, chôm chôm, sầu riêng, mít thái, bưởi da xanh. Quá trình trồng cây ăn quả, anh nhận thấy cây tiêu, sầu riêng, mít thái, bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm chuồng trại nuôi heo, bò sinh sản.
 
Theo anh Hiền, khó khăn lớn nhất khi làm kinh tế trang trại trên vùng đất này là thiếu  nước tưới cho cây trồng vào mùa hè. Vì thế, anh Hiền đã đầu tư khoan 4 cái giếng, cái sâu nhất đến 106m vẫn không tìm được nguồn nước. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng để thuê nhân công đào ao trên diện tích gần 1.000m2 và may mắn đã tìm được nguồn nước. Anh xây thêm 2 hồ chứa để trữ nước, mỗi hồ chứa được 35 - 36m3 nước. Từ khi có nguồn nước dự trữ, trang trại của anh đã chủ động được nguồn nước phục vụ cho cây trồng, vật nuôi trong suốt mùa hè.
 
Để có nguồn nước tưới, anh Hiền đào ao trên diện tích gần 1.000m2 và xây thêm 2 hồ chứa để trữ nước.
Để có nguồn nước tưới cho cây trồng, anh Hiền đã đào ao trên diện tích gần 1.000m2 và xây thêm 2 hồ chứa để trữ nước.

 

Hiện trang trại của anh Hiền có 230 gốc tiêu, 105 cây sầu riêng, 35 cây bưởi da xanh, 12 con heo nái sinh sản… Anh còn trồng xen canh các loại cây họ đậu để lấy ngắn nuôi dài. Mỗi năm, trang trại cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng.
 
“Tôi đã từng trải qua nhiều lần thất bại, nhưng không nản lòng, mà càng quyết tâm hơn. Tôi thường dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, nhờ các kỹ sư tư vấn, tìm những mô hình sản xuất hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm”, anh Hiền bộc bạch. 
a
a

Quyết tâm làm nông nghiệp sạch, anh Hiền còn nghiên cứu làm phân bón, thuốc trừ sâu từ những phụ phẩm nông nghiệp. Anh ủ đạm cá thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, làm thuốc trừ sâu từ lá sầu đông kết hợp với ớt và tỏi. Sản phẩm chín tới đâu thu hoạch tới đó, không thu hoạch đồng loạt để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.

 
 
Ngoài anh Lâm, anh Hiền, ở xã Hành Nhân còn có nhiều thanh niên thành công với các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp. Toàn xã Hành Nhân hiện có hơn 120ha cây ăn quả. Xã đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả, hiện có hơn 30 thành viên, trong đó có rất nhiều hội viên là thanh niên. 
 
Xem video:

 

Chủ tịch UBND xã Hành Nhân Trịnh Xuân Dũng cho biết, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho các hội viên tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả cũng như hỗ trợ cây giống để các hội viên mở rộng phát triển sản xuất. Các hội viên là thanh niên đã phát huy được sức trẻ, chủ động tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
 

Thực hiện: ÁI KIỀU - HOÀI THUẬN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 
Xuất bản lúc: 16:46, 28/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.