(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Tỉnh đoàn tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên ở vùng cao khởi nghiệp, trong đó có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ổn định cuộc sống trên vùng đất mới
Anh Đỗ Minh Vương, ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua (Sơn Tây), là một trong những thanh niên nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Năm 2019, khi Tỉnh đoàn triển khai dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, vợ chồng anh Vương tiên phong đăng ký vào ở trong làng thanh niên. Gia đình anh được Tỉnh đoàn cấp 1.200m2 đất, trong đó có 300m2 đất ở; hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà, cấp 1 con bò, 20 con gà, 3 con heo và các giống cây ăn quả...
|
Người dân chọn mua các sản phẩm từ mô hình khởi nghiệp của thanh niên huyện Sơn Tây. |
Đến nay, anh Vương đã xây dựng được mô hình kinh tế với nhiều loại cây ăn quả như ổi lê Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim, bưởi... Ngoài ra, vợ chồng anh còn nuôi 200 cặp chim bồ câu Pháp và gà, vịt... "Vợ chồng tôi được các cấp bộ đoàn hỗ trợ phát triển kinh tế trên vùng đất mới. Hiện chúng tôi liên kết với các hộ dân trong làng để thành lập tổ nuôi heo ky và heo kiềng sắt, mở hướng phát triển kinh tế", anh Vương cho hay.
Cũng như anh Vương, anh Nguyễn Hùng Cường, ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, khởi nghiệp bằng cách nuôi 200 con gà Ai Cập lấy trứng, 40 cặp dúi và trồng hàng trăm cây bưởi, cây ăn trái các loại. Nhờ sự chịu khó, dám nghĩ, dám làm, cùng với sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn, anh Cường đã triển khai thực hiện thành công mô hình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện nay, cùng với anh Vương, anh Cường, nhiều hộ thanh niên ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua phát triển trồng trọt, chăn nuôi, có nguồn thu nhập ổn định.
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các cấp bộ đoàn, mô hình khởi nghiệp của nhiều thanh niên ở miền núi được triển khai thực hiện hiệu quả. Các sản phẩm từ mô hình khởi nghiệp của thanh niên được người tiêu dùng ưa chuộng như ổi Soli, bưởi da xanh, ở xã Sơn Liên (Sơn Tây); sản phẩm bò khô, gà kiến, gà đen và chuối hột rừng sấy khô của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy (Sơn Hà); thổ cẩm Hrê ở Làng Teng (Ba Tơ); quế, đông trùng hạ thảo từ gạo lúa rẫy của vợ chồng chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng); chè xanh, chuối đỏ của thanh niên ở huyện Minh Long...
Để hỗ trợ thanh niên miền núi khởi nghiệp, mới đây, Hội LHTN tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh, với 30 thành viên. “Câu lạc bộ là nơi để các bạn trẻ ở miền núi cùng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau xây dựng các sản phẩm khởi nghiệp đặc trưng của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao”, Chủ nhiệm CLB, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm chia sẻ.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Vin, đồng hành, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, miền núi là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị đoàn, thành đoàn và đoàn trực thuộc thành lập CLB sáng tạo trẻ, CLB khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện sinh hoạt, giao lưu, trao đổi kiến thức, cập nhật các thông tin về hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên. Các cơ sở đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nhiều hình thức như các trang mạng xã hội, cuộc thi, tọa đàm...
Tỉnh đoàn đã tổ chức 5 lớp tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp và kỹ năng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho thanh niên các huyện miền núi, với sự tham gia của hơn 1.000 thanh niên. Đồng thời, tổ chức 2 phiên chợ kết nối sản phẩm miền núi với hơn 50 sản phẩm địa phương, sản phẩm khởi nghiệp, thu hút hơn 2.500 lượt thanh niên tham gia. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay khởi nghiệp từ Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Lũy kế đến nay, có 651 thanh niên được vay vốn với số tiền hơn 84,4 tỷ đồng…
|
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: